Giảm lệ phí trước bạ ô tô: Chuyên gia lo ngại kích nhầm đối tượng, hiệu quả lan tỏa thấp nếu chỉ đem lại lợi ích cho người giàu
Lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được giảm 50% từ 1/12/2021. Giải pháp này được cho là sẽ hỗ trợ ngành sản xuất ô tô vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) lại bày tỏ lo ngại rằng việc giảm lệ phí trước bạ ô tô kích nhầm đối tượng và chính sách này có tính lan tỏa thấp.
Ở góc độ tiêu dùng, ông Phạm Thế Anh cho rằng đối tượng có nhu cầu mua xe là những người có thu nhập cao, không cần thiết phải hỗ trợ. Chính sách không hỗ trợ được cho người yếu thế. Ở góc độ sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa của xe lắp ráp trong nước chỉ dưới 10% giá trị, 90% còn lại là nhập khẩu. Chưa kể, 10% linh kiện sản xuất trong nước cũng chủ yếu là từ doanh nghiệp FDI. Giá trị gia tăng từ lắp ráp rất nhỏ.
"Do vậy, giảm phí trước bạ để khuyến khích tiêu dùng ô tô, dù là xe lắp ráp trong nước, là đang kích nhầm vào người nước ngoài", PGS.TS Phạm Thế Anh nêu quan điểm.
Chuyên gia cũng băn khoăn về tính lan tỏa của chính sách.
"Một tiêu chí quan trọng khác của các gói kích thích là phải đạt được sự lan tỏa (trong kinh tế học gọi là hiệu ứng số nhân) lớn. Nếu chính sách giúp người nghèo tiết kiệm được chi phí hoặc gia tăng thu nhập, thì họ sẽ dành phần lớn số tiền đó để chi tiêu, và do vậy tạo ra công ăn việc làm/thu nhập mới cho những người khác trong nền kinh tế.
Ngược lại, nếu chính sách đem lại lợi ích cho người giàu, thì họ cũng chẳng chi tiêu thêm bao nhiêu (bởi họ đầy đủ rồi, có hay không có chính sách thì họ vẫn chi tiêu như thế), tức là sự lan tỏa thấp. Chính sách vì thế không hiệu quả", chuyên gia phân tích.
Mặc dù không đạt được hai tiêu chí quan trọng là đúng đối tượng và tạo ra sự lan tỏa cao, nhưng chuyên gia cho rằng chính sách này lại rất tốt ngân sách nhà nước.
"Trong giá bán xe, có tới khoảng một nửa là thuế phí (VAT, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ). Một chiếc xe lắp ráp trong nước có giá lăn bánh là 1 tỷ thì có tới 500 triệu là thuế/phí. Chưa kể, nuôi một chiếc xe còn phải nộp phí bảo trì đường bộ, tiêu thụ xăng dầu. Đây đều là những khoản đóng góp lớn cho ngân sách)", ông giải thích.
Ngoài ra, PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định thời điểm của chính sách chưa hợp lý. Ông giải thích khi thuế/phí ở chiều tăng (tác động tiêu cực), thì chính sách nên được công bố trước một khoảng thời gian dài để người dân và doanh nghiệp không bị bất ngờ, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tiêu dùng. Ngược lại, khi thuế/phí ở chiều giảm (tác động tích cực), thì chính sách nên mang tính "bất ngờ" sẽ tốt hơn.
"Nếu không tiết lộ kế hoạch và thời điểm phê duyệt thì sẽ tránh được việc mọi người găm xe (hoặc trì hoãn mua xe) tới vài tháng mới đi đăng ký, tránh được việc chen chúc nhau, ngân sách lại bội thu".
Hôm 26/11, Phó thủ tướng Lê Minh Khái thừa ủy quyền Thủ tướng đã ký Nghị định 103 quy định mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Theo đó, từ 1/12 năm nay đến 31/5 năm sau, lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%. Từ 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ.
Ngay trong ngày đầu giảm phí trước bạ, lượng người đổ dồn về các điểm đăng ký gấp nhiều lần ngày thường.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong ngày 1/12, lượng xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đăng ký nộp lệ phí trước bạ đã đạt mức 11.286 chiếc, gấp gần 10 lần so với những ngày cuối tháng 11.
Cơ quan thuế cho biết, nguyên nhân xe ô tô sản xuất, lắp ráp đăng ký nộp lệ phí trước bạ tăng đột biến là do Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103.
Ngày 2/12, Tổng cục Thuế đã có khuyến cáo các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp lệ phí trước bạ ô tô qua onilne để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.