|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giảm lãi suất: Kỳ vọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh

00:00 | 04/04/2023
Chia sẻ
Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành có tác động tạo tâm lý kỳ vọng tích cực cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành từ 0,3-0,5% bắt đầu từ hôm nay có tác động tạo tâm lý kỳ vọng tích cực cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng khi giảm lãi suất, sẽ kích cầu tín dụng, qua đó cũng giúp khiến cho doanh nghiệp và người dân sẵn sàng vay nợ nhiều hơn để đưa vào sản xuất kinh doanh tiêu dùng. Đồng thời cũng tăng thêm nguồn thu tín dụng, dịch vụ đi kèm cho các tổ chức tín dụng. Vốn dĩ trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đây chính là cú hích quan trọng cho cả nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho rằng, giảm lãi suất là mong mỏi của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ suốt thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước điều hành để cắt giảm mặt bằng lãi suất huy động, rồi đề nghị các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để có nền tảng giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế.

Theo ông Phạm Chí Quang, trong bối cảnh thế giới thuận lợi, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có xu hướng giảm tốc quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ thì đây là điều thuận lợi giúp Ngân hàng Nhà nước tiến tới giảm các mặt bằng lãi suất điều hành, kể cả các mặt bằng lãi suất thương mại như chỉ đạo ngân hàng về trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay trong thời gian tới. Khi điều kiện chín muồi, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp khiến cho mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại giảm rất rõ nét. Trong 1 tháng qua, lãi suất huy động của các ngân hàng giảm từ 0,5% - 1%, mức giảm đáng kể.

Anh Trần Như Long, Giám đốc một công ty chuyên về thiết bị công nghệ tại Hà Nội cho biết, đây là một tin rất đáng mừng, lãi suất chỉ cần giảm 0,5% cũng giúp công ty tiết kiệm được con số không nhỏ.
“Thời gian qua, chúng tôi rất khó khăn về nguồn vốn, không mở rộng được sản xuất. Với thông tin này chúng tôi kỳ vọng vào mức lãi suất cho vay sẽ giảm, để tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn”.

Bên cạnh đó, việc giảm mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cùng với việc hoạt động kinh doanh của các ngành nghề được kì vọng được khởi sắc trở lại vào quí II, là các yếu tố được kì vọng sẽ giúp nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng 6,5% như mục tiêu được đặt ra trong năm nay.

Ông Hoàng Công Tuấn, kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng nhận định, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là một động thái táo bạo nhưng hợp lý trong bối cảnh GDP quý 1/2023 ở mức tương đối thấp so với nhiều năm. Trong khi đó, nhiều khả năng Fed đảo chiều chính sách tiền tệ. Vì vậy, ông Hoàng Công Tuấn  cho rằng động thái của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là bước đón đầu, đi trước xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất toàn cầu.

Tuy nhiên, như chính Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát vẫn ở mức sát với mục tiêu 4,5% ngay trong quý I; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao.

Theo ông Cấn Văn Lực, không nên chủ quan với lạm phát, vì hiện CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của Việt Nam còn cao, áp lực tăng còn khá lớn do có độ trễ nhập khẩu lạm phát, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể tăng như giá điện, phí y tế-giáo dục, lương cơ sở tăng từ ngày 1/7... cùng với cung tiền năm nay khá lớn từ đầu tư công, tín dụng, kênh dẫn vốn khác được khơi thông tốt hơn.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đây là lần thứ 2 Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trong tháng này. Theo đó, giảm 0,5%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn; giảm 0,5%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,3%/năm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại Ngân hàng Nhà nước (Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô). Trước đó, đơn vị điều hành tiền tệ thông báo giảm 1%/năm các loại lãi suất điều hành từ 15/3, nhưng không bao gồm lãi suất tái cấp vốn.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết chỉ tiêu tín dụng cho từng tổ chức tín dụng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tính đến 28/3/2023, tín dụng toàn hệ thống tăng 2,06% so với cuối năm 2022.   

Thùy Dương

Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược và ra Tuyên bố chung Việt Nam – Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.