|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giảm hàng nghìn container phế liệu tồn đọng

21:15 | 07/05/2019
Chia sẻ
Theo ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan), tính đến cuối tháng 3/2019, số hàng tồn đọng khai báo là phế liệu lưu giữ tại các cảng biển là khoảng 17.216 container (chủ yếu ở cảng Hải Phòng và Cát Lái, TP Hồ Chí Minh), giảm 4.379 container so với tháng trước đó.
Giảm hàng nghìn container phế liệu tồn đọng - Ảnh 1.

Hàng phế liệu nhập về cảng Cát Lái. Ảnh tư liệu: Hoàng Hải/TTXVN.

Ông Âu Anh Tuấn cho hay: Thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg, từ tháng 7/2018 đến nay, Tổng cục Hải quan đã tăng cường công tác quản lý phế liệu nhập khẩu và triển khai các biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng vẫn còn trên tàu, không cho phép dỡ xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đủ điều kiện.

Nhờ vậy, doanh nghiệp đã chủ động nhập khẩu vào Việt Nam các lô hàng đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật. Không còn hiện tượng vận chuyển, nhập khẩu chất thải, phế liệu vào lãnh thổ Việt Nam.

Nói về nguyên nhân tồn đọng các container phế liệu, ông Âu Anh Tuấn cho biết: Trước khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 27/CT-TTg về giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (ngày 17/9/2018) thì thủ tục nhập khẩu “khá thoáng”.

“Do đó, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách, dù chưa xin được giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, chưa có giấy xác nhận ký quỹ, vẫn nhập khẩu phế liệu và dỡ hàng hóa xuống cảng biển, sau đó nộp hồ sơ xin giấy xác nhận. Tuy nhiên, do không xin được giấy xác nhận, doanh nghiệp từ bỏ hàng hóa tại cảng biển...”, đại diện Cục Giám sát quản lý hải quan nói.

Cơ quan hải quan cũng phát hiện doanh nghiệp giả mạo giấy xác nhận, dùng giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế (địa chỉ ma), chuyển địa chỉ mà không cập nhật thông tin, nhưng đã cố tình nhập khẩu phế liệu không đáp ứng quy định, sau đó bỏ hàng.

Đề cập đến giải pháp xử lý dứt điểm phế liệu tồn đọng tại các cảng, theo ông Âu Anh Tuấn, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ về biện pháp xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại cảng biển. Khi được Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Hải quan sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện.

Cụ thể: Đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, căn cứ Bộ Luật Hàng hải năm 2015, Điều 58 Luật Hải quan 2014, cơ quan hải quan có văn bản thông báo yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển lô hàng tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan hải quan.

Quá 30 ngày kể từ ngày hải quan thông báo, nhưng hãng tàu chưa thực hiện vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức tiêu hủy. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm đánh giá năng lực của các doanh nghiệp về khả năng tiêu hủy hàng hóa tồn đọng trước khi Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng lựa chọn doanh nghiệp thực hiện việc tiêu hủy hàng hóa.

Chi phí tiêu hủy trích từ tiền thu được sau khi bán đấu giá đối với lô hàng là phế liệu (thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg). Trường hợp tiền thu được từ việc bán đấu giá không đủ thì hãng tàu phải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí tiêu hủy.

Đối với lô hàng là phế liệu thuộc danh mục theo Quyết định 73/2014/QĐ-TTg, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức bán đấu giá cho các doanh nghiệp đủ khả năng, điều kiện được mua phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Minh Phương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.