Giám đốc WB: 'Tăng trưởng tham vọng nhưng có thể đạt được'
|
Trong cuộc gặp mặt báo chí trước thềm năm mới Đinh Dậu, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) đã có cuộc trò chuyện với các phóng viên báo chí nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam và hướng phát triển cũng như triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới.
Xin chào ông Ousmane Dione, là giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) tại Việt Nam, nhìn nhận của ông như thế nào về kinh tế Việt Nam 5 năm qua?
Giám đốc WB: Về kinh tế Việt Nam nói chung, trong vòng năm 5 qua, tăng trưởng của rất mạnh. GDP tăng khoảng 7% những năm qua. Hai - ba năm trở lại đây con số này có giảm xuống trung bình khoảng 6,2%, tuy nhiên, nhìn ra thế giới chúng ta thấy có bao nhiêu nước đã tăng trưởng được 6%. Không nhiều đúng không?
Còn về giáo dục thì sao? Chúng ta thấy gần đây, trong kỳ thi PISA thì VN đứng thứ 8 trên toàn thế giới. Chúng ta rõ ràng nếu nhìn trong số các nước đang phát triển, không có nhiều nước có được thành tựu giáo dục như vậy. Như vậy là chúng ta thấy gần đây cũng có rất nhiều những thay đổi có tính tích cực của Việt Nam.
Hay là về tạo công ăn việc làm, thu nhập cũng vậy. Có rất nhiều việc làm mới được tạo ra, như trong lĩnh vực xây dựng. Như vậy cũng có nhiều thay đổi tích cực nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ, nhờ vào những nỗ lực để có thể đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Rõ ràng không nhiều nước đang phát triển làm được như vậy. Làm thế nào có thể giữ được tình hình như Việt Nam thật sự là một thử thách với rất nhiều nước khác.
Gần đây ở Việt Nam số lượng của doanh nghiệp ngày càng tăng lên, nhưng trong năm qua chúng tôi cũng đối mặt với không ít thách thức từ môi trường mà khá nhiều trong số đó do các doanh nghiệp gây lên. Vậy thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề môi trường?
Giám đốc WB: Tôi cũng có gặp nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cuối năm ngoái ở Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), tôi có nói chuyện về việc làm thế nào để phát triển doanh nghiệp tư nhân việt Nam, đặc biệt liên kết với FDI. Đây là điểm rất quan trọng vì khi Việt Nam phát triển, doanh nghiệp tư nhân là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển này. Liên kết giữa FDI và doanh nghiệp nội tăng cường tính cạnh tranh, tăng chất lượng, sản lượng của Việt Nam.
Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào lĩnh vực sản xuất và cần làm cho doanh nghiệp liên kết, sáng tạo hơn nữa. Trong lĩnh vực công nghệ có rất nhiều doanh nghiệp FDI tham gia, vì vậy cần làm thế nào cho các doanh nghiệp đó liên kết với doanh nghiệp Việt Nam để chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giáo dục. Đây là yếu tố rất quan trọng với doanh nghiệp trong nước.
Cũng có thể thấy vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam là rất nhiều nhưng nhỏ, tản mát. Vấn đề chung của đất nước là làm thế nào để liên kết các doanh nghiệp này lại với nhau, trở thành doanh nghiệp lớn mạnh hơn.
Về môi trường, Việt Nam cũng cần tăng trưởng nhưng không cần tăng trưởng quá dài. Mức độ khí nhà kính của Việt Nam chưa phải cao nhưng mức độ tăng khí nhà kính, rác thải của Việt Nam lại rất cao. Một số vấn đề như làm thế nào để chúng ta bảo vệ môi trường tốt hơn, về mặt năng lượng bớt rác thải đi.
Vậy còn về những thách thức của Việt Nam trong tương lai là gì thưa ông?
Giám đốc WB: Sẽ có một số thách thức phải đối mặt và giải quyết để tiến lên phía trước. Đầu tiên là đấy là vấn đề về năng suất lao động. Hiện tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, khoảng 4 - 5%. Việt Nam cần có mức tăng trưởng năng suất lao động cao mới giữ được tăng trưởng cao. Vấn đề này cũng liên quan đến câu hỏi lúc trước, phát triển doanh nghiệp trong nước thì hiệu quả năng suất lao động là rất quan trọng để hỗ trợ cho một khu vực kinh tế tư nhân năng động.
Thách thức thứ hai cũng quan trọng không kém là môi trường. Khi đất nước phát triển, các chất thải bao giờ cũng tăng lên. Việt Nam là một nước đầu tiên ký COP21 và một trong những nước đầu tiên phê duyệt hiệp ước đó. Như vậy, chúng ta thấy một ý chí rất mạnh từ phía Chính phủ và như thế chúng ta đang chuyển dịch sang một nghị trình phát triển xanh hơn. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sạch như năng lượng gió, mặt trời. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có tiềm năng cải thiện hiệu quả của ngành năng lượng. Vì nếu hiệu quả hơn thì rõ ràng tăng trưởng sẽ nhanh hơn.
Và điểm cuối cùng tôi thấy về thách thức là chúng ta vẫn còn nghèo đói ở nhiều khu vực của Việt Nam. Chúng ta cần giải quyết những cái nghèo còn rơi rớt lại tại một vài điểm, một vài khu vực túi nghèo, đặc biệt là ở trong khu vực dân tộc thiểu số. Làm thế nào để có thể cân bằng được tăng trưởng lên phía trước và kéo những người nghèo đi lên cùng. Việt Nam đã có một hệ số GINI rất tốt, tức là chỉ số về phân biệt giàu nghèo không cao nhưng hiện nay vẫn còn những túi nghèo nằm rải rác đâu đó và nếu không được giải quyết sớm thì nó sẽ trở thành khoảng cách lớn về giàu nghèo.
Tôi cũng đồng ý vấn đề biến đổi khi hậu cũng là một thách thức lớn với Việt Nam. Làm thế nào để tăng cường tính chịu đựng của người dân, các cộng đồng, làm thế nào để nền kinh tế có thể tự điều chỉnh là một yếu tố quan trọng và cần nhấn mạnh, đặc biệt với Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong năm tới WB sẽ đặt trọng tâm là gì đối với Việt Nam?
Giám đốc WB: Về mục tiêu trong tương lai, chúng tôi sẽ tập trung vào một số điểm. Thứ nhất tập trung vào lập chiến lược mới CPF tức là Khuôn khổ đối tác quốc gia hỗ trợ Việt Nam. Khuôn khổ này phải phù hợp với những mục tiêu phát triển của Việt Nam và chúng tôi có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam một cách tốt hơn. Ưu tiên của WB là hỗ trợ những ưu tiên trong phát triển của Việt Nam và sẽ có một lộ trình sẽ làm gì cụ thể trong tương lai.
Thứ 2, tôi cũng muốn tập trung vào việc thực hiện được những khuyến nghị đã đưa ra trong báo cáo Việt Nam 2035. Nhóm báo cáo đã đưa ra, thảo luận với nhiều cơ quan chức năng để làm thế nào có thể thực hiện một số ưu tiên trong đó từ cấp Trung ương đến cấp thấp hơn, cấp tỉnh.
Vậy còn về nỗ lực của Việt Nam trong việc cải tiến bản thân hoạt động của Chính phủ để có thể hỗ trợ được nhiều hơn, ông có nhận định như thế nào?
Giám đốc WB: Tôi nghĩ đó là một nỗ lực đúng của Chính phủ và đưa nó thành hành động rất quan trọng. Nhìn vào hành động của Chính phủ hiện nay có thể thấy một số chiến lược đã được đưa vào thực tiễn. Ví dụ như các chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu có những chương trình như vậy và thực sự biến được những chương trình đó thành hành động thì nó sẽ giúp đỡ cho người dân rất nhiều.
Khi ông bắt đầu công việc ở Việt Nam, ông thấy thế nào? Khi ông đến đây cũng là lúc mà Chính phủ bắt đầu nhiều nỗ lực cải cách kinh tế, ông có thể đưa ra những tư vấn gì cho Chính phủ Việt Nam?
Giám đốc WB: Vâng, khi tôi đến đây thì cũng là lúc Việt Nam có Chính phủ mới cho nên là cái CPF là cái quan trọng. Tôi cho rằng, một Chính phủ rất cam kết với sự phát triển của Việt Nam đó là một điểm rất quan trọng.
Ở diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam gần đây, chúng ta đã thảo luận và thấy vai trò khu vực tư nhân đã được coi trọng rất nhiều. Bên cạnh đó những vấn đề thảo luận tại diễn đàn phát triển Việt Nam đều nhắm đến cải thiện kinh tế vĩ mô. Đó chính là cam kết của Chính phủ.
Nếu chúng ta nhìn vào cải cách của các ngành, như ngành hải quan chẳng hạn, đưa ra những cải tiến và từng bước thực hiện tất cả các cải cách thì đó là quan trọng. Nhưng cũng hiểu rằng không thể nào làm tất cả mọi thứ qua một đêm được, cần trải qua từng bước một.
Việt Nam đặt ra mức tăng trưởng 6,7% nhưng ông thấy có sự liên hệ giữa mục tiêu tăng trưởng này với những nỗ lực của Chính phủ hay không, tức là ông có nghi ngờ gì về mục tiêu tăng trưởng này?
Giám đốc WB: Đôi khi WB cũng khuyến nghị rằng con số tăng trưởng không bằng chất lượng tăng trưởng. Tôi nghĩ rằng, nhìn vào lịch sử tăng trưởng, Việt Nam đặt ra mục tiêu và đã làm được. Đây là một mục tiêu có tính tham vọng nhưng tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được. Tất nhiên là không có gì sai với việc chúng ta có tham vọng cả. Điểm quan trọng là con đường để đạt mục tiêu như thế nào và các công cụ nào để đạt được mục tiêu đó.
Tất nhiên tôi không có nghi ngờ gì về mục tiêu cả, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để Việt Nam sẽ đưa ra những hành động để thực hiện và làm thế nào để huy động được sự tham gia của các đối tác, kể cả chúng tôi để thực hiện mục tiêu này. Tăng trưởng 6% tốt, 6,2% cũng tốt mà 6,7% thì càng tốt. Và khi đưa ra mục tiêu thì phải huy động mọi người tham gia để thực hiện được mục tiêu này.
Xin chân thành cảm ơn ông!