|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giám đốc Cao su Đức Minh: Quản trị tốt mới hợp tác được với nước ngoài

08:11 | 17/03/2018
Chia sẻ
Nhờ gói kích cầu đầu tư của TP.HCM, Công ty TNHH Cao su Đức Minh đã có những đột phá đáng kể trong kinh doanh. Phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi thấy nụ cười đầy hi vọng của ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc của Đức Minh.

Ba năm trước, trong một lần trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Anh, tôi hỏi: “Năng lực sản xuất, dự án khả thi được xem là những yếu tố tiên quyết để các tổ chức tài chính xét duyệt cho doanh nghiệp (DN) vay vốn. Vậy theo ông thì làm sao để doanh nghiệp đạt được hai yếu tố ấy?”.

Ông đã rất từ tốn nói rằng, đây là câu chuyện con gà và quả trứng, cái nào có trước. Chưa có máy móc thì chưa có khách hàng, chưa có khách hàng thì dự án không khả thi. Do đó, doanh nghiệp khó vay được vốn ngân hàng. Để vay được vốn, bắt buộc doanh nghiệp phải có sự đột phá, tức có máy móc, công nghệ trước thì khách hàng mới đến với doanh nghiệp.

Thế nhưng, thường ngân hàng rất dễ duyệt cho vay đối với những dự án của các công ty nước ngoài có kinh nghiệm làm cao su lâu năm, đã có nhà máy ở chính quốc, sau đó xây dựng thêm nhà máy ở nước thứ hai, thứ ba. Nhưng với doanh nghiệp cao su Việt Nam thì ngươc lại.

giam doc cao su duc minh quan tri tot moi hop tac duoc voi nuoc ngoai
Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh. Ảnh: Quý Hòa.

Ông bỏ ngỏ phần còn lại của vấn đề mình đang nói. Chúng tôi nhìn thấy còn quá nhiều trăn trở trong ông. Nhưng rồi ông cho rằng cần có điểm đột phá để các ngân hàng mạnh dạn cho DN cao su trong nước vay, vay mua địa ốc thì khó, chứ vay mua máy móc, thiết bị chắc chắn sẽ có sản phẩm.

Nghe đến đó, chúng tôi hiểu đồng vốn đang là một trong những “nút thắt lớn” đối với doanh nghiệp ngành cao su - nhựa, trong đó có Đức Minh. Vậy mà gặp lại ông lần này, ông hồ hởi cho biết, không những Đức Minh mà còn có ba DN khác đã nhận được gói kích cầu của TP.HCM qua Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ký ngày 30/10/2015 quy định về việc triển khai thực hiện Chương trình Kích cầu đầu tư của TP.HCM nhằm khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể đầu tư đổi mới trang thiết bị, thay thế hàng nhập khẩu, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Từ đó đến nay, tuy chưa đến 3 năm, nhưng Đức Minh đã phát triển vượt bậc, từ doanh số xuất khẩu chỉ vài chục nghìn USD/năm, đến nay đã tăng lên 1 triệu USD/năm và dự kiến thời gian tới sẽ tăng hơn nữa.

* Được biết, để được hưởng gói kích cầu theo Quyết định số 50/2015/ QĐ-UBND, ông đã chuyển nhà máy Đức Minh từ Long An về TP.HCM. Điều ấy có ảnh hưởng gì đến sự tương tác giữa các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp tập trung về cao su tại Khu công nghiệp Xuyên Á không, thưa ông?

- Đức Minh là một trong 8 doanh nghiệp hoạt động tập trung tại Khu công nghiệp Xuyên Á (Đức Hòa, tỉnh Long An) đảm nhận công đoạn luyện cao su, chủ yếu cung cấp bán cao su thành phẩm cho các doanh nghiệp trong cụm. Dù chuyển về địa bàn TP.HCM, nhưng thực tế, nhà máy của chúng tôi chỉ cách vị trí cũ hơn một kilômét. Do đó, chúng tôi vẫn cung cấp bán thành phẩm cho doanh nghiệp ở các khu vực lân cận, nên không gây ảnh hưởng xấu đến kinh doanh của doanh nghiệp.

Trái lại khi về thành phố, chúng tôi được tham gia vào gói kích cầu. Có thêm nguồn vốn, chúng tôi càng an tâm tiếp tục phát triển sản phẩm của mình và vẫn giữ nguyên sự phân công các công đoạn sản xuất sản phẩm từ cao su. Thời gian qua có một số doanh nghiệp ra đời, họ không tập trung vào công đoạn ban đầu mà chỉ tập trung vào khâu cuối của ngành cao su. Do đó, với phương thức hoạt động như tôi vừa nói, mỗi doanh nghiệp trong ngành đều có thể chuyên môn hóa sản phẩm, tiết kiệm chi phí mà năng lực sản xuất được tối ưu hóa, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

* Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của gói kích cầu mà TP.HCM đang áp dụng?

- Nói về gói kích cầu của thành phố thì trong mấy năm vừa qua, không chỉ có Đức Minh mà còn có một số doanh nghiệp của Hội Cao su - Nhựa TP.HCM cũng được hỗ trợ, đó là Công ty Ngọc Lan, Công ty Thái Dương, Công ty CP Cao su Bến Thành.

Theo đó, nhờ gói kích cầu của thành phố mà các doanh nghiệp có điều kiện đổi mới thiết bị, đầu tư thêm thiết bị hiện đại. Cho đến nay, cả 4 doanh nghiệp tham gia gói kích cầu đã đạt được kết quả tương đối tốt, sản phẩm được thị trường chấp nhận, thu hồi vốn nhanh và có lãi khá. Không chỉ Đức Minh, Công ty Thái Dương cũng đã xuất khẩu được hơn 80% sản phẩm ra nước ngoài.

Không những thế, vui hơn nữa là còn mở rộng đầu tư thêm nhà máy ở Khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi). Do vậy, tôi nghĩ gói kích cầu của Thành phố giống như sự tiếp sức rất kịp thời, kịp lúc giúp doanh nghiệp tự tin và mạnh dạn hơn trong đầu tư mở rộng kinh doanh.

* Cụ thể là Đức Minh đã thay đổi thế nào sau gói kích cầu của thành phố, thưa ông?

- Tham gia gói kích cầu, Đức Minh được hỗ trợ 8 tỷ đồng, tức được nhà nước bù 100% lãi suất. Với nguồn vốn đó, chúng tôi đã mua thêm một số thiết bị mới, do đó doanh số xuất khẩu cao su của Đức Minh đã được nâng lên đáng kể, cụ thể là từ vài chục nghìn USD mỗi năm, đến nay đạt được gần 1 triệu USD/ năm.

Hai thị trường lớn của chúng tôi là Nhật Bản và Hàn Quốc. Các đối tác ở hai nước này đều do chúng tôi tìm kiếm, chào hàng và đã được họ chấp nhận đặt hàng. Đây được xem là một đột phá của Đức Minh - doanh nghiệp có tuổi đời chưa đến gần 11 năm.

Nếu như ba năm trước từng kỳ vọng sự tăng trưởng vượt bậc tại thị trường xuất khẩu thì nay chúng tôi đã làm được, dù rằng lúc đó chưa biết trong tương lai có chen chân được vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn công nghiệp lớn hay không, chỉ biết rằng muốn phát triển thì phải đổi mới công nghệ sản xuất.

* Từ cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc, ông học hỏi được gì?

- Chúng tôi bắt đầu làm việc với phía Hàn Quốc từ 2 năm trước và Nhật Bản là 4 năm trước. Đối tác ở hai nước này luôn đòi hỏi về chất lượng sản phẩm phải ổn định, hệ thống quản lý phải nâng lên để có sản phẩm đồng đều. Hơn thế nữa, khi hợp tác với các đối tác, chúng tôi cũng học hỏi được một số công nghệ. Dù là cung ứng hàng hóa, nhưng ở góc độ nào đó, họ cũng giúp giám sát, khiến chúng tôi phải biết học cách làm thế nào để nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt được yêu cầu mong muốn. Từ việc làm của doanh nghiệp mình, chúng tôi thấy rằng, quá trình hợp tác với các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nâng cao vị thế.

* Ông đánh giá thế nào về sự tăng trưởng của ngành cao su TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung?

- Trong những năm gần đây, ngành cao su đã có một số thuận lợi. Cụ thể là giá nguyên vật liệu trong việc tái đầu tư, thay đổi thiết bị, thay đổi công nghệ, chẳng hạn như Công ty CP Công nghiệp cao su Miền Nam đã thay đổi công nghệ làm lốp mành chéo (bias) sang công nghệ làm lốp mành song song (radial) cũng thuận lợi.

Các công ty cao su nhỏ lại có điều kiện xây dựng nhà máy mới trong các khu công nghiệp. Do đó, nhìn chung khả năng sản xuất của doanh nghiệp cao su hiện nay tốt hơn nhiều so với các năm trước đây. Không gì quý bằng việc an cư lạc nghiệp, bởi các doanh nghiệp ngành cao su đã tìm được những khu đất trong các khu công nghiệp để đặt nhà máy, đầu tư một cách bài bản, chuyên sâu. Đây được xem là tiền đề cho sự phát triển bài bản của doanh nghiệp ngành cao su - nhựa.

* Là Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, ông thấy điểm yếu nào của doanh nghiệp trong ngành cần sớm khắc phục?

- Dù doanh nghiệp ngành cao su đang khởi sắc trong kinh doanh, nhưng điều đáng trăn trở mà tôi nhận thấy là hệ thống quản trị chưa tốt. Quản trị doanh nghiệp tốt là một trong những tiêu chí hàng đầu mà các đối tác nước ngoài tìm đến hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp phải sớm khắc phục vấn đề này.

Tôi thấy các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc có nhu cầu rất lớn về sản phẩm cao su từ Việt Nam nên luôn muốn hợp tác với doanh nghiệp cao su Việt Nam. Bên cạnh vấn đề quản lý thì nguồn nguyên liệu cũng đang là nỗi lo lớn của ngành. Việt Nam chủ động về nguồn cao su thiên nhiên nhưng lại phụ thuộc 100% vào những phụ gia và một số nguyên liệu nhập khẩu, rất dễ gặp rủi ro, bởi lẻ một khi có biến động về tỷ giá hoặc về nguồn hàng, ví dụ như vừa rồi giá những loại hàng này nhập từ Trung Quốc tăng cao. Đây chính là nỗi lo lớn đối với ngành cao su - nhựa Việt Nam.

* Cảm ơn những chia sẻ của ông

Lê Loan