|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giám đốc Agribank Bến Thành: Chiếm đoạt tiền \"vì ngân hàng\"

09:20 | 21/03/2017
Chia sẻ
Bị cáo buộc có hàng loạt hành vi o ép cấp dưới để rút tiền và vàng của ngân hàng để chiếm đoạt, tuy nhiên tại tòa, nguyên giám đốc Agribank Bến Thành lý giải việc mình làm là “vì ngân hàng”.
giam doc agribank ben thanh chiem doat tien vi ngan hang
Nguyễn Thị Hoàng Oanh và Lê Văn Tính trả lời xét hỏi của đại diện viện kiểm sát - Ảnh: T.L

Sáng 20-3, ngày thứ 2 phiên xét xử vụ án tham ô tài sản, đưa và nhận hối lộ tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh Bến Thành (Agribank Bến Thành), hội đồng xét xử bước vào phần thẩm vấn.

Lập hàng loạt công ty để vay tiền

Cáo trạng xác định với thẩm quyền của mình, nguyên giám đốc Agribank Bến Thành Nguyễn Thị Hoàng Oanh đã chỉ đạo cấp dưới cho Lê Văn Tính (ngụ quận 3) vay vàng của ngân hàng để hưởng tiền chênh lệch.

Với mỗi lượng vàng Tính vay được, Oanh được hưởng chênh lệch 2 triệu đồng. Tổng cộng Agribank Bến Thành cho Lê Văn Tính vay hơn 137 tỉ đồng nhưng Tính chỉ nhận được hơn 112 tỉ đồng, Oanh chiếm hưởng hơn 24 tỉ đồng.

Với hành vi này, Lê Văn Tính bị truy tố về tội đưa hối lộ và Nguyễn Thị Hoàng Oanh bị truy tố về tội nhận hối lộ.

Tuy nhiên đứng trước tòa, cả Tính và Oanh đều cho rằng việc truy tố là không có căn cứ. Theo lời bị cáo Tính, việc bị cáo vay tiền của ngân hàng là do hai bên thỏa thuận với nhau.

Tuy nhiên, lời khai của Tính tại tòa cho thấy Nguyễn Thị Hoàng Oanh đã dùng mọi cách để Tính vay được vàng của ngân hàng.

“Oanh nói Agribank không có vàng. Nếu muốn vay vàng phải huy động ở ngân hàng Sacombank. Oanh thống nhất mỗi lượng vàng SJC vay được, quy ra tiền bị cáo chỉ được nhận 19 triệu đồng. Giá vàng lên thì bị cáo phải chịu, giá vàng xuống bị cáo được hưởng” - Tính khai trước tòa.

Theo lời Tính, khi hạn mức vay tiền sắp hết, Oanh bảo Tính muốn vay được tiền thì phải mở thêm công ty, sẽ vay thêm được 15.000 chỉ vàng.

Thậm chí Công ty Quang Phương do Tính thành lập năm 2008 với mục đích thi công ống cống cho một người bạn, Oanh cũng yêu cầu đưa công ty này làm đảm bảo để cho Tính vay 12.000 chỉ vàng SJC.

Hội đồng xét xử cho biết bị cáo Tính được vay tiền của ngân hàng theo quy trình ngược: Vay tiền xong, dùng tiền đi mua nhà đất rồi mang tài sản đó thế chấp cho ngân hàng để đảm bảo cho khoản vay trước đó.

Ngoài ra, Oanh còn chủ động gợi ý cho Tính nên mua căn nhà ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3). Nếu Tính muốn mua nhà này làm văn phòng thì Oanh sẽ cho vay vàng.

Được Oanh tạo điều kiện, Tính đã vay 800 lượng vàng của ngân hàng để mua căn nhà này. Sau khi giải ngân, Oanh lại yêu cầu Tính lập thêm công ty cho con của Tính đứng tên để vay tiền ngân hàng, dùng tiền vay để trả lãi những hợp đồng trước đó.

Cáo trạng xác định hiện Lê Văn Tính hiện không có khả năng trả nợ, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Agribank.

Cho vay vì là “người nhà của sếp”?

Bị truy tố về tội tham ô tài sản và nhận hối lộ với khả năng phải đối diện với hai bản án tử hình, tuy nhiên đứng trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh tỏ ra khá bình tĩnh.

Oanh cho rằng khi cho Tính vay vàng thì Agribank Bến Thành luôn tồn dư rất nhiều vàng trong kho chứ không phải huy động từ Sacombank như lời Tính khai. Về cáo buộc tạo mọi điều kiện cho Tính vay vàng để hưởng chênh lệch, Oanh phủ nhận.

“Bị cáo Tính là người nhà của sếp ở Ngân hàng Nhà nước nên bị cáo quá chủ quan, quá tin tưởng mà cho vay. Tính vay vàng sau đó bán để lấy tiền mua bất động sản. Bị cáo hỏi: “Hay anh lấy tiền được không”, Tính đồng ý. Lúc vay thì giá vàng 19 triệu đồng/lượng. Lúc chuyển tiền cho Tính thì giá vàng tăng vọt, Tính không yêu cầu lấy tiền chênh lệch mà chỉ lấy đủ 19 triệu đồng/lượng SJC” - Oanh biện minh trước tòa.

Với cáo buộc đã lập hồ sơ khống cho vay hơn 26.000 chỉ vàng SJC, Oanh cho rằng hành vi của mình là vì Agribank Bến Thành.

Oanh khai: “Bị cáo đưa cho cán bộ tín dụng 7 hồ sơ để giải ngân. 7 hồ sơ này có tên nhưng không có tài sản đảm bảo. Lúc đó ngân hàng cần hoàn thành chỉ tiêu cho vay, bị cáo nói với cán bộ tín dụng nên giới thiệu cho người quen, người thân vay tiền ở ngân hàng”.

Cáo trạng xác định toàn bộ số tiền và vàng vay được từ Agribank, Oanh dùng để sử dụng mục đích cá nhân và mua nhà tại đường Trần Quang Khải (quận 1).

Sau đó Oanh dùng chính căn nhà này cho ngân hàng thuê làm trụ sở với giá 5.800 USD/ tháng. Tính đến tháng 4-2013, Agribank Bến Thành đã phải trả cho Oanh 5,6 tỉ đồng tiền thuê nhà.

“Khi đó trụ sở cũ không thuận tiện cho việc kinh doanh nên bị cáo đã xin Tổng giám đốc Agribank cho chi nhánh Bến Thành được mua trụ sở mới. Hội sở mới chỉ đồng ý bằng miệng chứ chưa đồng ý bằng văn bản, vì vậy bị cáo mua nhà cho ngân hàng nhưng để con gái đứng tên rồi cho ngân hàng thuê lại” - Oanh khai trước tòa.

Hội đồng xét xử chất vấn Agribank Bến Thành mất cả tiền cho bị cáo vay, lại mất cả tiền thuê nhà.

Trước ý kiến này, Oanh cho biết: “Trên hình thức là cho cá nhân bị cáo nhưng thực chất là vì ngân hàng. Bị cáo không chiếm đoạt 5,6 tỉ đồng tiền thuê nhà của ngân hàng mà dùng tiền này để trã lãi và gốc của các khoản vay trước đó”.

Có mặt tại tòa, đại diện Agribank cho biết việc Oanh làm hồ sơ giả để rút hơn 26.000 chỉ vàng SJC để mua trụ sở ngân hàng là việc làm không đúng. Agribank không có chủ trương về vấn đề này.

Phiên tòa đang tiếp tục phần thẩm vấn.

Tâm Lụa