Giải ngân vốn vay nước ngoài chưa được một nửa kế hoạch năm 2020
Ngày 7/12, tại Hội nghị về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ 11 tháng năm 2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà lưu ý, nhiệm vụ của tháng 12 hết sức nặng nề khi vẫn hơn 50% kế hoạch vốn vay nước ngoài đã điều chỉnh của năm nay cần phải giải ngân, báo Chính phủ đưa tin.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, tỉ lệ giải ngân 11 tháng đã có bước cải thiện, giải ngân được 6.312 tỉ đồng, đạt 34,65% vốn kế hoạch giao đầu năm và 45,51% nếu tính trên số kế hoạch năm 2020 đã được điều chỉnh sau khi cắt giảm của các bộ, ngành (là 4.346 tỉ đồng).
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lí nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, bên cạnh những bộ, ngành có tỉ lệ giải ngân cao thì vẫn còn một số bộ, ngành có tỉ lệ giải ngân thấp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
Một số đơn vị cam kết giải ngân lên tới 100% số vốn vay nước ngoài như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay vẫn chậm.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, số vốn vay nước ngoài Bộ này cần giải ngân trong năm 2020 sau khi xin điều chỉnh là 1.830 tỉ đồng. Tính đến thời điểm ngày 30/11, tất cả 18 dự án có sử dụng vốn vay nước ngoài của Bộ này giải ngân được 763 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 41,7%.
Đại diện Bộ này cho hay, dự kiến đến hết năm 2020 cũng chỉ giải ngân được khoảng 90-94% kế hoạch đã điều chỉnh.
Đại diện Bộ NN&PTNT cũng lí giải nguyên nhân cuả sự chậm trễ này là thiếu vốn đối ứng, lũ lụt vào cuối tháng 10, tháng 11 đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện. Một số dự án trong tháng 11 đến nay đã làm nhưng chưa hoàn thành hồ sơ khối lượng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đến 24/11, đã giải ngân được 4.648 tỉ đồng đạt 75% số vốn được giao.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, để đạt được kết quả này, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục và đặc biệt là nêu cao vai rò trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân.
Dưới góc độ Bộ Tài chính, Phó Cục trưởng Hoàng Hải cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất làm tỉ lệ giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi còn thấp là do không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân.
Bên cạnh đó, cũng chịu tác động của đại dịch COVID-19, thiên tai lũ lụt, nhưng đây không phải lí do chủ yếu vì ngay cả ở các khu vực ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt thì Bộ Tài chính thấy tiến độ triển khai và gửi đơn rút vốn vẫn còn chậm...
Bộ Tài chính cho rằng, các dự án theo phương thức giải ngân tài khoản đặc biệt của một số nhà tài trợ như WB, ADB, JICA, nhiều chủ dự án chậm trễ thực hiện thủ tục hoàn chứng từ cho các khoản rút vốn từ tài khoản đặc biệt nhà tài trợ phê duyệt hồ sơ rút vốn bổ sung tài khoản này cho các khoản chi nhỏ lẻ thường kéo dài.
Bộ Tài chính kiến nghị, cần thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân, đặc biệt đối với các dự án kết thúc năm 2020 và năm 2021.
Để thực hiện được, các bộ, ngành chủ dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.
Cần xử lí dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ngay việc kí kết đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ...