|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải ngân vốn đầu tư công: Còn nhiều thách thức

00:30 | 26/06/2020
Chia sẻ
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, đến ngày 24/6, giải ngân nguồn vốn nước ngoài mới đạt 7.427 tỉ đồng, bằng 13,1% so với dự toán.

Tại Hội nghị trực tuyến về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vay nước ngoài 2020, diễn ra ngày 25/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, dịch COVID-19 đã khiến giải ngân vốn đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi gặp nhiều khó khăn, khiến nhiệm vụ này từ nay đến cuối năm gặp nhiều thách thức vì khối lượng còn lại rất lớn.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, đến ngày 24/6, giải ngân nguồn vốn nước ngoài mới đạt 7.427 tỉ đồng, bằng 13,1% so với dự toán.

Trong số đó, giải ngân của các bộ, ngành trung ương là 2.815 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 15,46% so với  dự toán được giao. Có 3 Bộ đã giải ngân trên 20% so với kế hoạch được giao gồm: Bộ Giao thông Vận tải là 29%, Bộ Quốc phòng là 27,6%, Bộ Y tế là  27,3%; có 1 Bộ chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công là Bộ Công Thương với dự toán được giao là 138 tỉ đồng.

Giải ngân của các địa phương đạt 4.611 tỉ đồng, bằng 11,98%. Theo đó, có 14 địa phương đạt tỉ lệ giải ngân trên 20% so với kế hoạch vốn như: Hà Nội, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An…

Giải ngân vốn đầu tư công: Còn nhiều thách thức - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vay nước ngoài 2020 (Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN).

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản nợ và tài chính đối ngoại (Bộ  Tài chính) cho biết, có tới 10 địa phương chưa giải ngân được vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020, gồm: Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang.

Riêng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ giải ngân hiện là 4,13%. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh đang có vướng mắc về việc hoàn ứng cho 3 dự án, Metro 1 Bến Thành – Suối Tiên; dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 và dự án vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh trị giá 4.600 tỉ đồng.

"Trường hợp UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị cấp phát cho tuyến đường sắt số 1 Bến Thành – Suối Tiên và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng thì tỉ lệ giải ngân chung của Thành phố sẽ nâng lên mức khoảng 40%", lãnh đạo Cục Quản nợ và tài chính đối ngoại nói.

Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân chính khiến tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài thấp là do Thành phố đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án.

Đặc biệt, theo bà Phạm Thị Hồng Hà, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên chưa thể hoàn tất các thủ tục cho các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Thành phố, nhất đối với các gói thầu ngắn hạn cần phải có sự tham gia của các chuyên gia châu Âu và Nhật Bản.

Bà Phạm Thị Hồng Hà cho biết thêm, dự kiến đến hết tháng 7 năm nay, khi các kiến nghị được giải quyết, TP Hồ Chí Minh sẽ giải ngân vốn nước ngoài vay lại được khoảng 7.630 tỉ đồng, đạt 53,76% so với kế hoạch và tiếp tục có đà phấn đấu đạt mức cao nhất hoàn thành chỉ tiêu giải ngân năm 2020.

Mặc dù tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 vẫn cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019, nhưng với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chỉ ra nguyên nhân cơ bản của việc giải ngân thấp xuất phát từ việc triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án. Dù vốn đầu tư đã được giao từ đầu năm nhưng cho đến nay, vẫn còn một số Bộ, địa phương chưa phân khai và nhập hệ thống thông tin quản ngân sách và kho bạc (Tabmis) hết dự toán được giao, khối lượng triển khai các hoạt động còn thấp.

Ngoài ra, một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư gồm tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án, cơ cấu vốn,..., điều chỉnh hiệp định vay nên chậm triển khai.

Bên cạnh đó, thời gian thống nhất được với nhà tài trợ nước ngoài về các nội dung hoạt động của dự án như kế hoạch tổng thể, kế hoạch hoạt động chi tiết, thuê chuyên gia, tuyển chọn tư vấn,... thường kéo dài.

Tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cũng có ảnh hưởng lớn đối với tiến độ triển khai các dự án vay ODA, vay ưu đãi có các yếu tố gắn với nước ngoài như: nhập khẩu máy móc thiết bị, huy động chuyên gia, nhà thầu, tư vấn nước ngoài,...

Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh, với khoảng 6 tháng còn lại của năm 2020, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ đặt ra còn rất nhiều, là thách thức cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương.

“Nếu các Bộ, ngành, địa phương không có những biện pháp kịp thời dẫn đến việc lặp lại trình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài như các năm trước đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và ảnh hướng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của giai đoạn trung hạn 2016-2020”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Do đó, thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, có nguồn vay vốn nước ngoài, vay ưu đãi nước ngoài.

Ngoài ra, khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để có cơ sở giải ngân; tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành hoặc các dự án sắp hết thời hạn giải ngân. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn.

Đối với số vốn nước ngoài các năm trước thuộc kế hoạch trung hạn đã bị hủy do không kịp giải ngân theo dự toán và ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện của dự án, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chủ quản tổng hợp để Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ cam kết với nhà tài trợ và đảm bảo cho dự án không bị chậm trễ trong quá trình thực hiện.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thùy Dương