|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải ngân đầu tư công: Không ai phải chịu trách nhiệm

14:38 | 05/10/2019
Chia sẻ
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, giải ngân vốn đầu tư ì ạch diễn ra ở hầu khắp các địa phương và lên tới cả cấp Chính phủ do 4 nguyên nhân chính.
Giải ngân đầu tư công: Không ai phải chịu trách nhiệm - Ảnh 1.

Dự án cải thiện môi trường lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2 cũng chưa được Bộ KH-ĐT giao vốn ODA. Ảnh: Độc Lập

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đánh giá không chỉ riêng TP.HCM, tình trạng giải ngân vốn đầu tư ì ạch diễn ra ở hầu khắp các địa phương và lên tới cả cấp Chính phủ do 4 nguyên nhân chính: đầu tiên và quan trọng nhất là mâu thuẫn, chồng chéo nhiều điều khoản giữa các luật Doanh nghiệp, Đất đai, Xây dựng, Đầu tư khiến các thủ tục hành chính mất thời gian.

Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng đang có nhiều bất cập. Trước đây, cơ quan chính quyền sẽ dùng biện pháp vận động, thậm chí cưỡng chế gắt gao để có mặt bằng sạch giao cho chủ đầu tư. 

Tuy nhiên, hiện nay phần việc này bị đẩy về phía doanh nghiệp, rất khó để đưa ra biện pháp hành chính, khiến công tác này kéo dài, dự án chậm trễ. Chưa kể giá đất nền đang có xu hướng tăng, người dân khắt khe, chặt chẽ hơn khi đòi giá đền bù thích hợp. Thủ tục đấu thầu quá rườm rà, cứng nhắc. Các dự án vì thế cứ xếp hàng chờ.

“Nguyên nhân cuối cùng chính là đội ngũ cán bộ các cấp hiện nay có tư tưởng phòng vệ, ai cũng sợ trách nhiệm nên không ai dám ký, không ai dám quyết. Lãnh đạo tư duy nhiệm kỳ, không tích cực hành động, thương thảo hay phối hợp để cùng nhau gỡ nút thắt. 

Có những địa phương còn sẵn sàng chấp nhận bị rút vốn vì giải ngân chậm, dự án chậm chỉ có dân chịu khổ chứ các vị quan chức có ảnh hưởng gì đâu. Vướng mắc bủa vây, ngân sách chạy đằng nào cũng tắc”, ông Nghĩa ngao ngán.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một ban quản lý dự án, giải phóng mặt bằng là trách nhiệm đã được phân về các địa phương, nhưng dính đến bồi thường đất đai là khiếu kiện, vướng cơ chế là một phần, nhưng mặt bằng chậm vì đa phần lãnh đạo địa phương nào cũng sợ chịu trách nhiệm, sợ bị kiện...

TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, các dự án đầu tư công chiếm khoảng 30 - 40% tổng đầu tư toàn xã hội. Giải ngân chậm trễ liên tục kéo dài 5 năm thì tăng trưởng kinh tế cũng giảm tương ứng từng đó. Chưa kể, mức độ lan tỏa rất lớn, làm sói mòn cả đầu tư khu vực tư nhân.

“Cơ sở hạ tầng, hàng không, cảng, hệ thống logistics, đường dây tải điện... tất cả không có thì tư nhân không thể đầu tư được. Các nhà đầu tư nước ngoài nếu có ý định rót vốn vào VN họ cũng sẽ e ngại, chán nản. Không ai muốn nhảy vào một đất nước mà chính phủ có tiền nhưng cũng không được tiêu”, ông Nghĩa nói thẳng.

Theo ông, giải ngân chậm trễ đã trở thành căn bệnh nan y, di căn khắp nơi. Muốn giải quyết phải gỡ từng đốt. Đầu tiên, phải giải tỏa các xung đột căn bản nhất về mặt pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và đấu thầu. 

Tiếp đến, chấn chỉnh, nâng cấp lại toàn bộ bộ máy lãnh đạo từ cấp bộ tới địa phương. Những ban, ngành nào yếu kém phải có chế tài kỷ luật, quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.

Còn theo TS Vũ Đình Ánh, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công phải bắt đầu từ việc kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả, triển khai chậm, hay thậm chí chưa chuẩn bị đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định để tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả cao, triển khai đúng tiến độ, làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư. 

Bên cạnh đó, phải hoàn thiện về luật pháp, cơ chế quản lý vốn đầu tư công, củng cố kỷ luật chi ngân sách, giảm đến mức thấp nhất tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Hà Mai