Giải mã vai trò của 'nhà tạo lập' thị trường giao dịch ngoại hối
2/3 giao dịch ngoại hối được thực hiện qua kênh online
Nghiên cứu mới đây của Viện McKinsey Global (MGI) cho thấy, tác động của đại dịch COVID-19 dẫn đến việc phải kết hợp kênh bán mới, điều này đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ tài chính thay đổi cách tương tác với khách hàng.
Nghiên cứu này cũng khẳng định nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong việc tiếp cận số hóa đối với các dịch vụ tài chính khi dẫn số liệu, trong năm 2021, khoảng 70% người tiêu dùng châu Á sẵn sàng mua các sản phẩm mới trên nền tảng số.
Nói riêng ở lĩnh vực giao dịch ngoại hối, nhờ sự nhanh nhạy/tiên phong trong ứng dụng số hóa, tăng tương tác với khách hàng trên các kênh số, nhiều ngân hàng đã mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, chuyển đổi thành công từ giao dịch truyền thống sang giao dịch online với tỷ lệ trên 75%.
"Đây là đầu vào quan trọng cho chiến lược chuyển đổi và tăng trưởng trên môi trường số, thúc đẩy các ngân hàng sẽ sáng tạo trải nghiệm hay giá trị mới cho khách hàng" – MGI khẳng định.
Techcombank là một ví dụ điển hình trên hành trình chuyển đổi số hóa này. Trong nhiều năm trở lại đây, Techcombank luôn góp mặt trong top các nhà băng dẫn đầu thị trường về khối lượng giao dịch ngoại hối tại Việt Nam.
Đặc biệt, từ cuối năm 2019, khi hệ thống giao dịch điện tử FX Matching được Ngân hàng nhà nước chấp thuận tại thị trường Việt Nam, Techcombank là một trong những ngân hàng tiên phong thiết lập hệ thống và thực hiện những giao dịch đầu tiên. Đơn vị này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính thanh khoản, độ sâu và sự ổn định của thị trường.
Sau hai năm triển khai, Techcombank đã khẳng định mình ở vai trò nhà tạo lập thị trường trong các hoạt động giao dịch FX matching xét trên khối lượng giao dịch, đồng thời là đơn vị có số lượng deal (giao dịch) nhiều nhất theo báo cáo của Refinitiv – đơn vị cung cấp hệ thống giao dịch ngoại tệ liên ngân hàng tại Việt Nam.
Song song với đó, Techcombank cũng là ngân hàng chủ động triển khai tính năng giao dịch FX online cho khách hàng, tính riêng năm 2021, 2/3 tổng số lượng giao dịch ngoại hối của ngân hàng này được thực hiện qua kênh online.
Không khó để "giải mã" vai trò dẫn dắt và sự năng động của Techcombank trên hành trình trở thành nhà tạo lập thị trường ngoại hối. Với chiến lược "khách hàng là trọng tâm", thay vì cung cấp một giải pháp giao dịch ngoại hối riêng lẻ, đơn vị này mang tới cho khách hàng một giải pháp tổng thể được nghiên cứu dựa trên thói quen, hành vi, phân khúc và hành trình kinh doanh của doanh nghiệp/cá nhân.
Các nhóm dịch vụ, tính năng được may đo và đóng gói phù hợp giúp tạo nên sự cộng hưởng và hài lòng của khách hàng, từ đó tạo ra nhu cầu một cách tự nhiên thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm và sự am hiểu của mình, Techcombank cũng đóng vai trò nhà tư vấn chuyên nghiệp thông qua các bản tin, khuyến nghị định kỳ gửi tới khách hàng. Được phân tích bởi các chuyên gia và tùy chỉnh riêng cho từng phân khúc, những tư vấn này giúp khách hàng cảm nhận tốt hơn về thị trường và tự tin giao dịch với Techcombank. Theo chia sẻ từ đơn vị này, khối lượng (volume) giao dịch ngoại hối của Techcombank hàng năm luôn tăng trưởng trên 25%.
Chuẩn hóa các gói giải pháp, thúc đẩy giao dịch trên kênh số
Ông Phan Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc Techcombank, Giám đốc Khối Ngân hàng Giao dịch toàn cầu - cho biết, hai bước quan trọng trong việc số hóa và tự động hóa các giao dịch ngoại hối chính là chuẩn hóa các gói dịch vụ, đồng thời đơn giản các giao dịch trên nền tảng số.
Trong chiến lược "khách hàng là trọng tâm", mỗi doanh nghiệp cần được nhìn nhận một cách tổng thể trên hành trình kinh doanh với các nhu cầu dịch vụ phức tạp, đan xen nhau. Vì vậy, để tự động hóa dịch vụ, các giải pháp tài chính phải được phân tầng theo nhiều tiêu chí để đáp ứng từng phân khúc khách hàng, đảm bảo cho mỗi doanh nghiệp đều dễ dàng tìm được một tập hợp các giải pháp phù hợp từ đó dễ dàng tham gia giao dịch trực tuyến.
"Càng chuẩn hóa mức giá và dịch vụ, càng minh bạch thông tin, khách hàng càng tin tưởng và sử dụng dịch vụ của chúng tôi nhiều hơn", bà Phùng Thị Thu Hương – Giám đốc cao cấp tư vấn khách hàng doanh nghiệp lớn, khối Ngân hàng Giao dịch toàn cầu của Techcombank – chia sẻ thêm.
Theo ông Phan Thanh Sơn, giai đoạn 2021 - 2025, Techcombank sẽ tiếp tục thực hiện sâu rộng hơn các hoạt động số hóa, tự động hóa, đưa nhiều trải nghiệm khách hàng lên kênh số. Cùng với đó là giúp khách hàng nắm bắt các biến động để từ đó tư vấn, giúp khách hàng quản trị được rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
"Với vai trò tạo lập thị trường ngoại hối trong nhiều năm qua, Techcombank tiếp tục phát triển các công cụ mới, phương thức giao dịch số hóa mới, giúp khách hàng Việt Nam luôn được cập nhật với diễn biến của thị trường khu vực và thế giới", ông Phan Thanh Sơn nhấn mạnh.
Những nỗ lực của Techcombank đã được ghi nhận khi Tổ chức Quốc tế uy tín Refinitiv trao cho ngân hàng ba giải thưởng quan trọng gồm "Nhà tạo lập thị trường ngoại hối matching tốt nhất Việt Nam"; "Ngân hàng giao dịch ngoại hối matching năng động nhất Việt Nam" và "Top 5 Ngân hàng có khối lượng giao dịch matching lớn nhất thị trường ngoại hối Việt Nam".
Bà Trần Ngọc Nga, Giám đốc thương mại Refinitiv khu vực Việt Nam và Myanmar, nhận định bất kỳ thị trường ngoại hối nào cũng cần nhà tạo lập thị trường năng động, quyết định đến việc đưa thị trường ngoại hối phát triển lên một tầm mới. "Techcombank làm được điều này khi trở thành ngân hàng dẫn đầu trong việc tạo ra các sản phẩm mới phục vụ thị trường, doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá cao vị thế dẫn dắt của Techcombank và hi vọng ngân hàng tiếp tục duy trì vị trí này trong các năm tới", bà Trần Ngọc Nga cho biết.