Giải mã nhiều doanh nghiệp báo lãi khủng quý I
CII: lợi nhuận quý I bằng 138% cả năm 2016
Ngày 3/4/2017, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII) đã công bố con số ước tính về kết quả kinh doanh quý I/2017 của Công ty.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ - CII ước đạt 1.100 tỷ đồng, đạt 76,9% kế hoạch lợi nhuận năm 2017 mà Hội đồng quản trị Công ty đã thông qua. Nếu so sánh với lợi nhuận sau thuế công ty mẹ cả năm 2016 là 794,419 tỷ đồng, thì lợi nhuận quý I/2017 của CII vượt tới 38% lợi nhuận cả năm liền trước.
Vậy, đâu là yếu tố tạo nên sự tăng trưởng đột biến này?
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, quý I vừa qua là thời điểm Công ty có nhiều diễn biến tích cực, dẫn đến lợi nhuận của Công ty tăng mạnh. Cụ thể, mảng thu phí cầu đường của Công ty tăng do hưởng lợi kép nhờ tăng giá phí theo lộ trình và lưu lượng phương tiện vận tải qua trạm cũng tăng cao. Tuy nhiên, có tới gần 800 tỷ đồng thu nhập của Công ty mẹ CII đến từ việc định giá lại tài sản góp vốn tại các công ty con, công ty liên kết.
Trong 3 tháng đầu năm 2017, CII đã có một loạt hoạt động liên quan đến tái cấu trúc Công ty. Cụ thể, CII đã đưa Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB) trở lại thành công ty liên kết (từ mức sở hữu 19,9% vốn điều lệ trước năm 2017 lên 23,81% vốn điều lệ); nâng sở hữu tại Công ty Xa lộ Hà Nội lên mức gần 49%, thay vì đầu tư dài hạn (đến 31/12/2016 đầu tư gần 195 tỷ đồng); nâng sở hữu tại Công ty CII Cầu Đường (CII B&R) từ mức 49% vốn điều lệ (công ty liên kết) lên 53,95% vốn điều lệ (công ty con); tăng sở hữu tại CII VPII lên 99,99% vốn điều lệ… Việc mua vào cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết với mức giá thấp hơn giá trị sổ sách có thể là yếu tố chính giúp mang lại lợi nhuận đột biến cho CII trong quý I/2017.
Tuy nhiên, các yếu tố nói trên không phải là tất cả những gì CII có được trong quý I
Cuối quý I/2017, công ty này đã thông báo về việc lựa chọn HongKongLand làm đối tác chiến lược cho dự án BT Thủ Thiêm. Theo dự kiến, mất khoảng 3 tháng để việc hợp tác với HongKongLand được hoàn tất thủ tục và chuyển tiền, với tổng số tiền mà đơn vị này góp vào là hơn 2.185 tỷ đồng. Như vậy, khi việc hợp tác được thực hiện xong về mặt chiến lược, CII có thể tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận lớn cho năm 2017.
Yếu tố thứ hai là mảng nước. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Bình cho hay, hiện nay có một số đối tác tìm hiểu và có đối tác đã sẵn sàng trả mức giá khá cao để được tham gia vào mảng này của CII. “Tuy nhiên, CII coi mảng nước như là của để dành, nên có thể sẽ cân nhắc chưa bán vội. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng sẽ công bố cho cổ đông biết về vấn đề này, để cổ đông, nhà đầu tư yên tâm thấy được giá trị tài sản mà Công ty đang nắm giữ”, ông Bình nói.
DXG: ước lãi 140 tỷ đồng quý I/2017
Trao đổi bên lề cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, một đại diện của Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (mã DXG) cho biết, lợi nhuận quý I của Công ty ước đạt 140 tỷ đồng. Con số chính xác phải chờ tới khi hoàn chỉnh báo cáo tài chính, do Công ty có nhiều công ty con và các dự án.
Với con số ước tính này, lợi nhuận quý I/2017 của Đất Xanh sẽ vượt rất xa con số lợi nhuận cùng kỳ năm 2016 là 94,718 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính riêng và 29,438 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tại báo cáo tài chính hợp nhất.
Mặc dù kết quả kinh doanh quý I khả quan, nhưng nếu so với kế hoạch cả năm 2017 là 700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thì sau quý I, Đất Xanh mới chỉ đi được 20% chặng đường của năm nay.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Đất Xanh cho biết, có nhiều yếu tố đồng thời tạo nên sự tăng trưởng về kết quả kinh doanh của Tập đoàn, như kết quả kinh doanh hiệu quả của mảng môi giới bất động sản – mảng Đất Xanh đang nắm giữ vị trí số 1 trên toàn quốc và điểm rơi hạch toán các dự án bất động sản mà Công ty đã và đang triển khai.
Theo ông Thìn, trong các năm qua, nhờ dự báo chính xác diễn biến thị trường và thực hiện chiến lược M&A hợp lý, tập trung vào phân khúc nhà ở hạng B, C (phân khúc giá trung bình, trung bình khá và khá), Đất Xanh đã có được quỹ đất giá rẻ và phù hợp với nhu cầu thị trường.
“Có dự án khi lên phương án tiền khả thi (FS) để M&A, với mức giá bán ra khoảng 18 triệu đồng/m2 là Công ty đã chấp nhận mua lại để triển khai và có lời. Nhưng sau đó, do điều kiện thị trường thuận lợi, Công ty đã thay đổi phương án đầu tư, tăng chi phí xây dựng khoảng 1 triệu đồng/m2, nhưng giá bán tăng lên tới xấp xỉ 28 triệu đồng/m2, giúp mang lại lợi nhuận lớn cho Công ty, mà khách hàng vẫn được mua nhà với giá phù hợp hơn mặt bằng chung của thị trường”, ông Thìn nói.
SMC, TCM: Lợi nhuận tăng trưởng mạnh
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) đưa ra con số ước tính lợi nhuận quý I/2017 khoảng 105 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 100% so với lợi nhuận cùng kỳ năm 2016 (lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt hơn 58 tỷ đồng).
Với con số này, SMC đã hoàn thành trên 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm là 150 tỷ đồng. Việc tăng trưởng này đến từ việc hưởng lợi từ thị trường, do giá thép tăng mạnh và SMC đã có được lượng hàng trữ kho với mức giá hợp lý.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo SMC cũng đưa ra dự báo không mấy khả quan về triển vọng của ngành thép năm 2017 với nguy cơ đảo chiều của giá thép do nguồn cung tăng trở lại. Đây là lý do SMC thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2017, với lợi nhuận kế hoạch cả năm còn thấp hơn lợi nhuận quý II/2016.
Với Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã TCM), trong quý I/2017, Công ty cũng đưa ra con số ước lợi nhuận lên tới 47 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với mức 22,065 tỷ đồng của quý I/2016. Về nguyên nhân tăng trưởng, TCM cho biết, ngoài yếu tố quan trọng là tăng biên lợi nhuận của sản phẩm sợi, tăng năng suất nhà máy mới, thì việc tăng doanh thu sản phẩm áo cũng là yếu tố tạo nên kết quả kinh doanh khả quan của Công ty.
Bên cạnh các doanh nghiệp đã công bố ước lợi nhuận quý I tốt, nhóm công ty chứng khoán, doanh nghiệp ngành dầu khí, ngân hàng, thép… cũng được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh quý I khả quan do diễn biến thuận lợi chung của ngành, như: tăng giá dầu thô, giá thép; tăng trưởng tín dụng ngân hàng và kiểm soát nợ xấu; tăng trưởng thị trường chứng khoán…