|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải bài toán nguồn nguyên liệu cho cá tra Việt Nam

23:01 | 10/11/2016
Chia sẻ
Tình trạng lúc thừa lúc thiếu nguồn nguyên liệu cá tra là nguyên nhân khiến nguồn cung cá tra của Việt Nam không ổn định, giảm tính cạnh tranh trên trường quốc tế.
giai bai toan nguon nguyen lieu cho ca tra viet nam
Nguồn cung nguyên liệu cá tra Việt Nam hiện không ổn định. Ảnh: Chính Tới/TTXVN

Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các nước nhập khẩu đang tăng phục vụ cho Giáng sinh và năm mới 2017, dẫn tới các nước cung ứng thủy sản cũng đang tích cực tăng nguồn cung để đáp ứng tốt nhu cầu đó.

Nguồn cung cá tra của Việt Nam hiện không dồi dào dẫn tới tình trạng giá bị đẩy lên cao nhất từ đầu năm tới nay, dẫn tới người nuôi lại “đổ” đi nuôi cá tra. Tình trạng lúc thừa lúc thiếu nguồn nguyên liệu cá tra lại tiếp tục tái diễn tại các vùng nuôi.

Năm ngoái, cá tra nguyên liệu đã có thời gian dài giảm xuống mức kỷ lục, dưới 20.000 đồng/kg, xấp xỉ giá thành sản xuất. Ngành cá tra được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro do hạn chế về kỹ thuật chăn nuôi, chế biến cũng như khâu tiêu thụ.

Chi phí sản xuất trong nước cao dẫn đến sản phẩm xuất khẩu kém cạnh tranh. Diện tích nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm dần do nhiều người nuôi nhỏ lẻ thua lỗ. Đến cuối năm 2015, thị trường cá tra nguyên liệu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn trầm lắng, thậm chí kéo sang cả năm 2016.

Tháng 8/2016, giá cá tra xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, từ 18.500-19.000 đồng/kg, song lượng tiêu thụ vẫn rất chậm. Đầu tháng 10 vừa qua, giá cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng mạnh, ở mức 22.200-22.500 đồng/kg. Giá cá tra tăng trở lại do nguồn cung bị giảm sút khi trước đó nhiều hộ bỏ nuôi.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi cá tra từ tháng 10 đã tăng trở lại. Sau 10 tháng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thả nuôi 5.352 ha, tăng 4% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 996.000 tấn, tăng 9,1% với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp cá tra vẫn thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng lo lắng dự đoán, có thể từ nay đến hết tháng 2/2017, lượng cá tra nuôi tại Đồng bằng sông Cửu Long không đủ cho chế biến và xuất khẩu. Do nguồn cung thiếu nên giá cá tra sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Với mục tiêu phát triển nuôi, chế biến cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành ngành kinh tế quan trọng của thủy sản Việt Nam theo hướng công nghiệp và thân thiện với môi trường, năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 3885/QĐ-BNN-TCTS về việc phê duyệt quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.

Theo đó, đến năm 2016, mục tiêu diện tích mặt nước nuôi cá tra đạt từ 5.300 - 5.400 ha, sản lượng cá tra nuôi từ 1,25 - 1,3 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 2 – 2,3 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2015 - 2016, không nâng tổng công suất chế biến cá tra phi lê đông lạnh, tập trung đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền thiết bị trong các nhà máy hiện có. Đẩy mạnh chế biến sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm cá tra.

Như vậy so với kết quả 10 tháng qua, diện tích cá tra đã xấp xỉ quy hoạch, sản lượng cũng gần tới mục tiêu nhưng kim ngạch xuất khẩu mà ngành nông nghiệp đặt ra với loại cá này sẽ phải chờ vào các năm tiếp theo. Sau hơn 2 năm triển khai quy hoạch cá tra vẫn chưa giải quyết được vấn đề "hết thừa lại thiếu”.

Theo khảo sát của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, diện tích nuôi cá tra của doanh nghiệp chiếm khoảng 80%, còn lại khoảng 20% là của hộ nuôi. Tương ứng với đó, sản lượng thu hoạch cá tra của doanh nghiệp chiếm 84%, còn lại là 16% của hộ nuôi.

Về liên kết sản xuất cá tra, ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam đánh giá, tùy vào công ty và thời gian đầu tư mà chi phí hỗ trợ khác nhau theo từng thời điểm. Mức đầu tư bình quân hiện nay của công ty là 4.300-4.600 đồng/kg cá (giảm 600 đồng/kg so với trước đây).

Thực hiện liên kết, hộ nuôi có thể yên tâm về đầu ra của nguyên liệu và lãi cao thấp tùy vào năng lực quản lý kỹ thuật của nông hộ. Tuy nhiên, liên kết với doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu hiện nay chưa thực sự bền vững vì sau khi thu hoạch xong doanh nghiệp có thể không đầu tư lại cho người nuôi vụ tiếp theo.

Ông Võ Hùng Dũng cho rằng, để ngành cá phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay, việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Do vậy, cần thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra.

Thúc đẩy môi trường cạnh tranh được thực hiện ở tất cả các phân khúc từ hộ nuôi, khu vực giống, chế biến và các ngành dịch vụ hỗ trợ. Nhà nước cần hỗ trợ ở những khâu doanh nghiệp hiện nay chưa làm được như nghiên cứu về giống, bảo vệ giống – gen, nghiên cứu công nghệ - kỹ thuật. Tái cấu trúc ngành hàng cá tra thực hiện ở các khâu: thị trường, sản phẩm, chất lượng, quản trị doanh nghiệp…

Cùng với đó, xây dựng và phát triển cụm ngành, chuỗi ngành cá tra, phát triển các liên kết dọc. Chuỗi ngành đi từ khâu sản xuất giống đến khâu tiêu thụ cuối cùng là bán lẻ đến người tiêu dùng. Cụm ngành là một số phân khúc của chuỗi ngành, cùng với các ngành liên quan hay các hoạt động dịch vụ hỗ trợ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh cũng đánh giá, cần xây dựng lại hình ảnh cá tra Việt Nam. Nhưng không thể đổ trách nhiệm này cho nông dân vì họ không có động lực thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam thì tiềm lực không lớn, nếu chỉ một vài doanh nghiệp đơn lẻ thực hiện việc truyền thông quảng cáo cũng sẽ “không tới đâu”. Do đó, phải có chiến lược và sự hợp sức của cả cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, ngành cá tra cần phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện việc cấp mã số ao nuôi, áp dụng đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, hợp đồng thu mua nguyên liệu với người nuôi và xác nhận hợp đồng xuất khẩu nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với thị trường.

Ngành cá tra cũng cần sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu; trong đó tổ chức lại các hộ nuôi cá tra theo nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác… gắn với việc ứng dụng nuôi VietGAP và các chứng nhận nuôi quốc tế.

Tổ chức các cơ sở chế biến, tiêu thụ gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu và nhu cầu của từng thị trường. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp chế biến là trung tâm trong liên kết chuỗi giá trị.

Bích Hồng