|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải bài toán 'được mùa mất giá' của dứa Gò Quao

08:01 | 13/08/2017
Chia sẻ
Huyện Gò Quao là nơi có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh Kiên Giang với hơn 3.650 ha, tập trung ở các xã Vĩnh Phước A, Vĩnh Thắng và Vĩnh Hòa Hưng Nam. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 54.000 tấn.
giai bai toan duoc mua mat gia cua dua go quao

Rẫy dứa 1 ha của anh Từ Quốc Tuấn, ấp Phước Minh, xã Vĩnh Phước A sắp đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Vụ dứa năm nay, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang trúng mùa nhưng giá bán tăng giảm thất thường, khiến nông dân kém vui. Điệp khúc “được mùa mất giá” không những là rào cản trong phát triển cây dứa mà còn ảnh hưởng bất lợi đến đời sống nông dân, nhất là những hộ thu nhập kinh tế gia đình chủ yếu từ nguồn lợi cây trồng này. Bên rẫy dứa diện tích 1 ha còn khoảng 30 ngày nữa cho thu hoạch, anh Từ Quốc Tuấn ở ấp Phước Minh, xã Vĩnh Phước A (Gò Quao) lo lắng không yên. Đầu vụ, thương lái mua tại rẫy, loại 1 (1 - 1,3 kg/trái) từ 6.000 - 7.000 đồng/trái nhưng khi thu hoạch chính vụ, giá giảm chỉ còn trên dưới 2.000 đồng/trái. Thời điểm cuối vụ hiện nay, giá có nhích lên nhưng cũng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/trái.

Gần 1 ha dứa của gia đình gần đến ngày thu hoạch cũng không biết giá cả như thế nào, mà đây lại là nguồn thu nhập chính của gia đình. Với mức giá như hiện nay thì chỉ hòa vốn, còn nếu tiếp tục giảm nữa thì thua lỗ - anh Tuấn chia sẻ. Anh Trang Văn Phấn, ấp Phước An, xã Vĩnh Phước A cho biết, đầu vụ nông dân trồng dứa rất phấn khởi nhưng niềm vui cứ giảm dần. Nông dân chỉ biết trồng dứa còn giá cả đầu ra lệ thuộc hoàn toàn vào thương lái, thị trường tiêu thụ. Lúc thu hoạch rộ, sản lượng lớn thì giá dứa sụt giảm sát tận đáy. Huyện Gò Quao là địa phương có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh Kiên Giang với hơn 3.650 ha, tập trung ở các xã Vĩnh Phước A, Vĩnh Thắng và Vĩnh Hòa Hưng Nam. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 54.000 tấn.

Ông Lâm Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước A cho hay, từ đầu năm đến nay giá dứa giảm thấp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng ngàn hộ trồng do đây là cây chủ lực của xã và nguồn thu nhập chính hằng năm của trên 80% hộ nông dân.

giai bai toan duoc mua mat gia cua dua go quao

Nông dân ấp Phước An, xã Vĩnh Phước A, thu hoạch dứa bán cho thương lái. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Xã hiện có trên 2.700 ha dứa, chiếm hơn 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, cuối vụ thu hoạch, sản lượng không còn nhiều, nhưng giá chỉ ở mức 3.000 - 3.500 đồng/trái. Nhiều hộ dân sau một năm trời trồng dứa không có lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư sản xuất.

Nông dân đang trông chờ xây dựng tại Gò Quao một nhà máy sản xuất chế biến dứa xuất khẩu để giá cả đầu ra ổn định, người trồng yên tâm sống với nghề và cải thiện cuộc sống. Ông Lê Hữu Toàn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao cho biết, diện tích trồng dứa của huyện có 3.280 ha đã cho thu hoạch. Nông dân trồng dứa trên đất cải tạo vườn tạp hoang hóa, đất nhiễm phèn nặng không gieo trồng được lúa và những loại hoa màu khác. Bởi vậy, dứa trở thành cây trồng chủ lực của huyện. Nhiều nông dân tính toán, giá dứa phải ổn định đầu ra ở mức thấp nhất từ 6.000 đồng/trái thì mới đủ trang trải chi phí và cải thiện cuộc sống. Hạn chế, bất cập trong việc phát triển trồng dứa ở Gò Quao là chưa có nhà máy sản xuất chế biến. Nông dân chủ yếu bán quả tươi cho thương lái, giá cả tiêu thụ bấp bênh, không ổn định.

Việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa được quan tâm đầu tư nên khi dứa chín, nông dân phải đốn bán cho thương lái dù giá thị trường đang giảm thấp, không thể “neo” dứa trên rẫy chờ giá tăng lên. Cùng đó, nông dân cũng chưa mạnh dạn đầu tư liên kết sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung để nâng cao giá trị kinh tế trái dứa và thu nhập cho gia đình. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và những năm tiếp sau, dựa vào điều kiện đất đai, môi trường tự nhiên, huyện Gò Quao xác định dứa là cây trồng chủ lực bên cạnh cây lúa, mía và hồ tiêu.

Kế hoạch quy mô phát triển diện tích dứa đến năm 2020 là 4.270 ha; trong đó diện tích cho trái 3.950 ha, năng suất bình quân hơn 14 tấn/ha. Ông Lê Hữu Toàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao cho biết, huyện xây dựng vùng sản xuất khóm chuyên canh, phát triển thâm canh ở các xã Vĩnh Phước A, Vĩnh Thắng, Vĩnh Hòa Hưng Nam và Thới Quản; trong đó, quy hoạch vùng sản xuất tập trung 200 ha theo quy chuẩn VietGAP tại xã Vĩnh Phước A.

Huyện Gò Quao cũng đẩy mạnh công tác cải tạo giống, phục tráng lại giống dứa chất lượng, khảo nghiệm chọn ra giống mới có năng suất, chất lượng ngày càng tốt hơn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, nhất là phòng chống dịch bệnh gây hại, xây dựng mô hình sử dụng và hướng dẫn, khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất.

Nông dân sẽ được hướng dẫn các biện pháp bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, liên kết sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa theo hướng khai thác chuỗi giá trị; bố trí mùa vụ rải đều trong năm theo từng vùng, tiểu vùng thích hợp nhằm tránh tình trạng thu hoạch tập trung, sản lượng lớn, cung vượt cầu trên thị trường, gây sụt giảm giá. Huyện đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến và bãi tập kết trung chuyển sản phẩm hàng hóa tại địa bàn huyện; xây dựng thương hiệu “Khóm Gò Quao” và nhãn hiệu các sản phẩm sản xuất, chế biến từ trái dứa, trở thành đặc sản địa phương.

giai bai toan duoc mua mat gia cua dua go quao

Gia đình anh Trang Văn Phấn, ấp Phước An, xã Vĩnh Phước A, thu hoạch dứa đưa ra chợ bán. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Huyện Gò Quao đề xuất tỉnh mời gọi nhà đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở chế biến, tiêu thụ dứa tại cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam trên địa bàn. Hiện, đã có một số nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát vùng nguyên liệu để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chế biến. Trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện chú trọng quan hệ với các doanh nghiệp sản xuất chế biến sản phẩm dứa ngoài tỉnh, mời gọi liên doanh, liên kết và hợp tác sản xuất, tiêu thụ cho nông dân, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy.

Trước mắt, huyện chú trọng mở rộng thị trường ngoài tỉnh, nhất là đưa sản phẩm dứa tươi tiêu thụ ở các chợ đầu mối lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long… ông Lê Hữu Toàn cho hay./.

Lê Huy Hải