|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giấc mơ đổi đời của giới trẻ Trung Quốc: Khởi nghiệp trên thị trường cà phê, ồ ạt mở chuỗi mới bất chấp rủi ro

07:29 | 05/09/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh nhiều sinh viên Trung Quốc không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, họ đã chọn một con đường ngắn nhưng nhiều rủi ro hơn để dẫn đến thành công là startup trên thị trường cà phê.

Một sự bùng nổ về việc mở cửa hàng cà phê đang bao trùm trên khắp lãnh thổ Trung Quốc, một quốc gia có nền văn hóa đa dạng về trà từ lâu đời. Một cuộc khảo sát của một công ty tư nhân vào năm 2021 cho thấy Thượng Hải là thành phố có số lượng cửa hàng cà phê nhiều nhất thế giới với 6.913 cửa hàng, xếp trên những thành phố lớn khác như Tokyo và London, theo Asia Nikkei.

Sự bùng nổ của thị trường cà phê Trung Quốc

Starbucks đã mở Reserve Roastery, một cửa hàng cà phê lớn hoàn chỉnh với các thiết bị riêng biệt tại Thượng Hải vào năm 2017. Trong khi đó, Blue Bottle Coffee, nhà hàng bán lẻ cà phê nổi tiếng có trụ sở tại Mỹ, cũng đã mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào đầu năm nay.

Theo một báo cáo được công bố vào năm 2021 bởi công ty kiểm toán quốc tế Deloitte, người Trung Quốc chỉ uống trung bình 9 tách cà phê mỗi năm, thấp hơn rất nhiều so với người Hàn Quốc (367 cốc) hay người Mỹ (329 cốc).

Tuy nhiên, giá trị thị trường cà phê của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng lên mức 180,6 tỷ nhân dân tệ (26 tỷ USD) vào năm 2023. Vậy, điều gì đã thúc đẩy các doanh nghiệp mở nhiều cửa hàng cà phê tại Trung Quốc như vậy?

Giới trẻ mơ đổi đời nhờ khởi nghiệp với thị trường cà phê

Một trong số những câu trả lời cho câu hỏi này là việc giới trẻ Trung Quốc, những người đầy tham vọng, đang nỗ lực thực hiện hóa “giấc mơ Trung Hoa” của họ bằng cách khởi nghiệp với thị trường phê.

Song Weizhe là chủ một cửa hàng cà phê nổi tiếng thế giới ở Thượng Hải. (Ảnh: Asia Nikkei).

Một trong số đó là Song Weizhe, sinh năm 1993. Năm 2017, anh mở quán cà phê có tên là Post Cafe ở Thượng Hải, với mô típ gần giống một bưu điện của Trung Quốc. Quán cà phê này từng là một sạp báo và chỉ chiếm không gian vỏn vẹn 1 m2.

Sau khi được người cha khuyên nên học thêm một số kỹ năng, anh đã nhận một công việc trang trí nội thất nhưng không có hứng thú với nó. Sau khi nghỉ việc, anh bắt đầu làm việc cho một cửa hàng bánh ngọt và bị cuốn hút bởi hương vị cà phê tại đây.

Trải nghiệm này khiến anh quyết định thành lập một quán cà phê của riêng mình. Cuối cùng, Song Weizhe đã mở một cửa hàng nhỏ với số vốn ban đầu chỉ khoảng 30.000 nhân dân tệ (4.300 USD).

Tuy nhiên, cửa hàng của anh được chú ý tại Trung Quốc với tư cách là quán cà phê nhỏ nhất thế giới và trở nên nổi tiếng đến mức mọi người sẵn sàng xếp hàng bên ngoài chờ đợi để được uống cà phê. “Có một lời đề nghị từ một chuỗi quán cà phê lâu đời ở Thượng Hải để mua lại cửa hàng của tôi”, anh nói.

Sau khi chuyển đến một địa điểm mới và đóng cửa cửa hàng khi hợp đồng thuê nhà được gia hạn, Song Weizhe hiện đang giúp việc tại quán cà phê của một người bạn và chuẩn bị mở một cửa hàng mới. Ước mơ của anh là mở ba quán cà phê và có cả một chiếc xe tải chở cà phê.

Han Yulong là chủ kỳ lân Manner Coffee. (Ảnh: Asia Nikkei).

Một ví dụ điển hình khác về một người Trung Quốc đã biến ước mơ của mình thành hiện thực là Han Yulong, người sáng lập chuỗi startup Manner Coffee. Anh bắt đầu với một quán cà phê chỉ rộng 2 m2 trong một con hẻm sau của một khu mua sắm ở Thượng Hải và đã thành công trong việc mở rộng kinh doanh trên khắp đất nước.

Năm 2021, công ty nhận được khoản đầu tư từ Meituan, công ty điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc và ByteDance, công ty mẹ TikTok cũng như kỳ lân lớn nhất thế giới. Manner Coffee sau đó đã trở thành một kỳ lân (startup có giá trị từ 1 tỷ Usd trở lên), qua đó trở thành hình ảnh đại diện cho ngành công nghiệp cà phê đang bùng nổ ở Trung Quốc. Hiện đang có những tin đồn về việc Manner Coffee có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Rủi ro khi startup trên thị trường cà phê

Tại Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi ở mức 19,3% trong tháng 6, một kỷ lục mới. Thậm chí, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không xin được việc làm như mong muốn cũng phải chật vật và không cầm được nước mắt khi nhắc tới cơ hội việc làm.

Với khoảng cách thu nhập ngày càng gia tăng do giá bất động sản tăng vọt, cảm giác bất lực ngày càng lớn ở những người trẻ bình thường thiếu kỹ năng đặc biệt hoặc có trình độ học vấn thấp hơn. Đối với những người như vậy, mở một quán cà phê giống như một con đường tắt để thực hiện ước mơ của bản thân, vì họ có thể bắt đầu kinh doanh chỉ với một máy pha cà phê, không đòi hỏi chi phí ban đầu lớn.

Đương nhiên, con đường dẫn đến thành công không hề đơn giản. Có không ít quán cà phê phải đóng cửa sau một thời gian ngắn vì hoạt động không có lãi, không thể cạnh tranh được với các chuỗi lớn.

Luckin Coffee là chuỗi đầu tiên vượt qua Starbucks về số lượng cửa hàng ở Trung Quốc, nhưng đã bị xóa khỏi sàn Nasdaq vào năm 2020 do gian lận kế toán. Công ty đã phải trả giá vì quá vội vàng trong việc phát triển và đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Có một số ít người chiến thắng và vô số người thua cuộc. Sự bùng nổ của việc mở cửa hàng cà phê ở Trung Quốc, được thúc đẩy bởi “giấc mơ Trung Hoa” của người trẻ, dường như phản ánh chính Trung Quốc, một đất nước không ngừng phát triển, nhưng bên trong vẫn ẩn chứa nhiều sự rối ren.

Doanh Chính