|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng tăng 'sốc': Thêm áp lực kiềm chế lạm phát

08:17 | 05/05/2019
Chia sẻ
Trong kỳ điều chỉnh ngày 2/5, giá xăng tiếp tục tăng gần 1.000 đồng/lít. Điều này đang đè nặng lên mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã đề ra.

Doanh nghiệp “đau đầu” cân nhắc tăng giá

Chiều 2/5, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu gồm xăng E5RON92 tăng 985 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 956 đồng/lít.

Sau khi điều chỉnh tăng, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 20.688 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 22.191 đồng/lít.

Giá xăng tăng sốc: Thêm áp lực kiềm chế lạm phát - Ảnh 1.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng gần 5.000 đồng/lít (Ảnh minh hoạ: KT)

Việc xăng tăng giá mạnh từ đầu năm đã khiến cho các doanh nghiệp vận tải không khỏi lo lắng.Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng gần 5.000 đồng/lít đối với xăng E5RON92 và RON95.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, nhiên liệu xăng dầu chiếm khoảng 35-40% giá thành, nên việc tăng giá xăng dầu liên tiếp thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp (DN) vận tải. Tuy nhiên, nếu tăng giá vận tải sẽ ảnh hưởng tới 2 vấn đề: thứ nhất, lượng khách đi lại trên tuyến sẽ giảm đi, gián tiếp ảnh hưởng tới doanh thu; thứ 2, đẩy giá hàng hoá dịch vụ tăng lên, một số ngành hàng cũng sẽ “ăn theo”, nâng giá, làm cho chỉ số giá tiêu dùng tăng lên, từ đó, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và đời sống xã hội.

“Ngành vận tải đang rất lo lắng, chưa biết xử lý như thế nào vì đợt này xu hướng của thế giới là giá xăng tăng liên tục cho nên chúng tôi đứng trước khó khăn rất lớn là xử lý đầu ra - đầu vào như thế nào? Nâng giá thì xã hội có chấp nhận không hay tăng giá rồi khách hàng lại giảm đi? Các DN vận tải đang rất sốt ruột và lo lắng mà chưa có giải pháp nào tháo gỡ”, ông Bùi Danh Liên cho hay.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định, giá xăng dầu tăng mạnh nhưng giá cước vận tải cho đến thời điểm này vẫn được giữ ổn định. Các nhà xe chưa dám tăng giá vé.

“Gặp các chủ xe ai cũng thở dài ngao ngán vì chi phí tăng mạnh mà giá vẫn không tăng được, khách không có. Đây là thời kỳ cạnh tranh gay gắt và khó khăn của DN vận tải”, ông Liên chia sẻ.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty SaigonFood cho biết, mới đây công ty đã nhận được báo giá mới của các sản phẩm nguyên phụ liệu như bao bì, nguyên liệu nhập khẩu. Để tăng giá bán ra, DN phải tính toán cân đối lại nhiều thứ, từ các sản phẩm cùng loại trên thị trường đến hoạt động sản xuất, mức tiêu thụ…

“Chúng tôi đang rất đau đầu để đưa ra mức tăng như thế nào cho hợp lý cũng như thời điểm tăng phù hợp, ít tác động nhất đến người dùng hay lượng hàng bán ra. Để tăng giá bán, công ty phải thông báo cho các đối tác, các điểm bán lẻ từ 1 đến 2 tháng và thời gian đó mình phải gánh hết mọi chi phí đầu vào đã tăng”, bà Lâm nói.

Áp lực đè nặng mục tiêu lạm phát 4%

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), điện và xăng là 2 yếu tố quan trọng quyết định đến nhiều lĩnh vực của đời sống. Do đó, việc tăng giá 2 mặt hàng này, chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nền kinh tế. Tác động như thế nào, tác động đến đâu thì chúng ta cần có tính toán cụ thể.

Giá xăng tăng sốc: Thêm áp lực kiềm chế lạm phát - Ảnh 2.

PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

"Trong bối cảnh giá điện tăng 8,36%, xăng cũng liên tục tăng giá sẽ ảnh hưởng đến 2 chỉ số là CPI và GDP, trong khi GDP giảm thì CPI sẽ tăng", TS Long nhận định.

Nhìn nhận kỹ lưỡng các động thái của liên bộ Công Thương - Tài chính trong kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua, theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc điều hành vừa tăng giá bán xăng dầu, vừa xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là khá hợp lý. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của giá xăng dầu thế giới, việc liên tục xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sẽ tạo áp lực cho kỳ điều hành sắp tới.

"Một số DN xăng dầu trong nước đã than Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bị âm, ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Để tạm ứng xả quỹ, DN sử dụng tiền có sẵn hoặc phải đi vay, trong khi việc thu hồi không thể sớm. Nếu DN âm quỹ sẽ dễ xảy ra tình trạng găm hàng. Bởi vậy, khi DN ứng tiền để bù đắp quỹ thì Nhà nước cần có chính sách để đảm bảo hài hòa lợi ích cả ba bên là nhà nước, DN và người dân, DN không bị thiệt thòi. Đây là một bài học trong điều hành giá”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Giá xăng tăng sốc: Thêm áp lực kiềm chế lạm phát - Ảnh 3.

PGS. TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân

Trong bối cảnh giá điện tăng cao 8,36% trong tháng 3 và giá xăng cũng liên tục tăng trong các kỳ điều chỉnh vừa qua, việc giữ mục tiêu lạm phát dưới 4% là một điều không dễ dàng. Theo PGS. TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân, ảnh hưởng từ giá xăng dầu tăng là rất lớn, cả trực tiếp và gián tiếp tới hầu hết các ngành sản xuất quan trọng, gây tác động lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Chưa kể, tác động cộng hưởng từ tăng giá điện cùng các mặt hàng khác thì ảnh hưởng tới nền kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều.

“Cần hết sức cẩn trọng trong điều hành giá để tránh làm tăng mạnh chi phí sản xuất, gây khó khăn cho DN và ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chính sách nhịp nhàng, đặc biệt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách giá cả. Theo đó, các mặt hàng do nhà nước quản lý trong lộ trình tăng giá năm nay cần được điều hành hết sức khôn khéo để tránh dồn dập cùng lúc, tránh tạo tâm lý kỳ vọng lạm phát cũng như hiện tượng ‘té nước theo mưa’", PGS. TS. Tô Trung Thành cảnh báo./.

Cẩm Tú