Giá xăng giảm cũng có mặt trái, dân Mỹ chưa thể vội mừng
Trong vài tháng qua, cả giá dầu thô và giá xăng bán lẻ đều giảm mạnh và quay trở lại mức của một năm trước.
Hiện nay giá nhiên liệu vẫn cao hơn so với thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19. Song, vào mùa xuân năm 2020, phần lớn nền kinh tế đóng cửa, người dân ngừng di chuyển, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, giá nhiên liệu trở nên rẻ mạt. Giá dầu thậm chí còn xuống mức âm trong một thời gian ngắn, trước khi tăng vọt vào giai đoạn nền kinh tế mở cửa trở lại và chuỗi cung ứng vẫn tắc nghẽn.
Sự sụt giảm gần đây của giá nhiên liệu đã giảm bớt gánh nặng cho nhiều người tiêu dùng và cũng là một tin đáng mừng đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong bình luận gần đây, ông Biden cho rằng giá cả thấp hơn cho thấy các chính sách kinh tế của ông đang “phát huy tác dụng”.
Tuy nhiên, theo trang Washington Post, điều đáng lo ngại là ông Biden và một số đồng minh dường như đang phớt lờ lý do tại sao giá xăng giảm và diễn biến giá xăng có thể báo trước điều gì. Hiện nay, có cả những nguyên do tích cực lẫn tiêu cực khiến giá giảm.
Phía cung
Những lý do tích cực liên quan đến việc cải thiện nguồn cung. Các vấn đề về chuỗi cung ứng đang được giải quyết và nguồn cung dầu chảy vào thị trường toàn cầu đang dồi dào hơn. Sản lượng dầu thô của Mỹ chưa phục hồi về mức trước đại dịch nhưng đang tăng cao hơn.
Số lượng giàn khoan dầu của Mỹ cũng đang tăng đều đặn. Theo Baker Hughes, số lượng giàn khoan đang hoạt động hiện nay nhiều hơn gấp ba lần so với mức thấp nhất của năm 2020. Ngoài ra, một số nhà máy lọc dầu của Mỹ ngừng hoạt động vào đầu mùa thu để bảo trì nay đã hoạt động trở lại.
Bên cạnh đó, chính sách áp giá trần của G7 đối với dầu Nga cũng gây gián đoạn nguồn cung ít hơn so với lo ngại của một số nhà phân tích.
Trước đó, các chuyên gia đã lo lắng rằng Nga có thể đáp trả lệnh trừng phạt của G7 và các biện pháp trừng phạt khác của phương Tây với việc giảm sản lượng. Điều này sẽ đẩy giá dầu toàn cầu lên cao hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, kịch bản này đã không xảy ra.
Bà Shin Kim, người đứng đầu bộ phận phân tích sản xuất và cung ứng dầu tại S&P Global Commodity Insights, cho biết Nga đang tìm ra cách điều chỉnh, khi nước này chuyển nhiều giao dịch và bảo hiểm sang các quốc gia không tham gia hiệp ước áp giá trần của G7. Sự điều chỉnh này đã góp phần tạo thêm nguồn cung cho thị trường.
Phía cầu
Bên cạnh đó, cũng có những lý do tiêu cực dẫn đến đà giảm của giá dầu trong đó phải kể đến nguy cơ suy thoái gia tăng.
Trong cuộc suy thoái năm 2020 do đại dịch COVID-19 gây ra, nhu cầu nhiên liệu giảm kéo theo giá giảm mạnh. Đây là tình huống thường xảy ra trong thời kỳ suy thoái. Và một phần lý do khiến giá dầu trượt dốc gần đây là do mối lo ngại về nhu cầu sụt giảm.
Kinh tế Anh và Liên minh châu Âu (EU) dường như đã rơi vào suy thoái. Kinh tế Mỹ cũng đối diện với rủi ro ngày càng tăng. Tùy thuộc vào diễn biến của lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất và làm suy yếu nền kinh tế.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, mức tiêu thụ xăng của Mỹ đang có xu hướng giảm so với thời điểm này trong các năm trước.
Kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp rắc rối. Các đợt phong tỏa kiểm soát dịch đã đóng cửa các nhà máy và hạn chế các hoạt động kinh tế khác, khiến nhu cầu nhiên liệu thấp hơn.
Chính phủ Trung Quốc mới đây tuyên bố sẽ nới lỏng chính sách kiểm soát dịch COVID-19. Nhưng hiện nay sự gia tăng các ca mắc bệnh có thể gây ra sự gián đoạn tới quá trình tái mở cửa và chính sách của Trung Quốc sẽ có tác động lan tỏa đến các nền kinh tế khác trên thế giới.
Theo Washington Post, thật khó để định lượng chính xác mức độ sụt giảm của giá dầu và xăng là do các yếu tố “tích cực” (phía cung) hay “tiêu cực” (phía cầu). Nhưng các nhà phân tích năng lượng cho rằng khả năng cao là các yếu tố phía cầu đang chiếm ưu thế.
Ông Patrick De Haan, trưởng bộ phận phân tích xăng dầu tại GasBuddy, nói: “Nếu mọi người cảm thấy lạc quan, nếu thị trường chứng khoán đi lên, giá dầu có thể cũng sẽ đi lên. Song, mối lo ngại về nền kinh tế có lẽ đang lấn át một số yếu tố tích cực như sự gia tăng của nguồn cung.”