|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu tuần tới: Thị trường hỗn loạn khi chưa có một tín hiệu tích cực cứu lấy ngành dầu

14:39 | 22/03/2020
Chia sẻ
Cuộc chiến sản xuất không khoan nhượng giữa Arab Saudi và Nga đã khiến giá dầu thô chạm đáy 3 thập kỉ trong tuần này. Một số tín hiệu tích cực khi Mỹ và Arab Saudi cùng bắt tay hợp tác nhằm ổn định thị trường dầu mỏ cũng không thể khiến thị trường trở nên khả quan hơn trong tuần tới trước tác động của dịch COVID-19.
Giá xăng dầu tuần tới: Thị trường hỗn loạn khi chưa có một tín hiệu tích cực cứu lấy ngành dầu - Ảnh 1.

Nguồn: Reuters

Kết thúc phiên thứ Sáu (20/3), giá dầu thô WTI giảm 3,28 USD, tương đương gần 13%, xuống còn 22,63 USD/thùng, theo Investing.com.

Chỉ trong phiên trước đó, giá dầu WTI đã tăng 24%, thu hồi hoàn toàn mất mát trong ngày thứ Tư (18/3). Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 29%, nối tiếp đà giảm 23% trong tuần trước.

Giá dầu Brent giảm 1,49 USD, tương đương 5,2%, xuống 26,98 USD/tấn và ghi nhận mức giảm hàng tuần 20% sau khi giảm 25% trong tuần trước.

Những tổn thất to lớn trong ngành dầu xảy ra trong bối cảnh nhu cầu bị tác động mạnh do đại dịch COVID-19 và cuộc tranh giành thị phần giữa Arab Saudi và Nga.

Giới chuyên gia cho rằng bất kể các động thái tích cực từ Tổng thống Donald Trump, người đồng cấp Vladimir Putin hay Hoàng tử Mohammad bin Salman, thị trường dầu khó trở nên lạc quan hơn trong ngắn hạn. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin ngày 18/3 đưa ra cảnh báo rằng tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể lên đến 20%, vượt xa tỉ lệ 3,5% hiện tại, nếu chính quyền không kịp thời hành động.

Tuy nhiên, vào thứ Năm (19/3), ông Mnuchin đã rút lại cảnh báo và đưa ra đề xuất gói kích thích trị giá khoảng 1.300 tỉ USD nhằm ngăn chặn nguy cơ bất ổn kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19. 

Thêm vào đó là 3 động thái can thiệp thị trường dầu mỏ từ các nước. Đầu tiên là Tổng thống Trump cam kết mua 77 triệu thùng dầu thô để lấp đầy Dự trữ Dầu khí Chiến lược Quốc gia. 

Thứ hai là báo cáo của Wall Street Journal cho rằng Mỹ sẽ thúc đẩy ngoại giao để cùng Arab Saudi cắt giảm sản lượng dầu trước khi bắt đầu cuộc chiến giá cả với Nga. 

Thứ ba là khả năng đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga để nước này thực hiện việc cắt giảm thay thế (phía Saudi chưa bày tỏ sự đồng thuận với cách làm này). 

Nhờ những yếu tố đó, giá dầu thô của Mỹ tăng vọt 24% vào ngày 19/3.

Tuy nhiên, sự phục hồi kỉ lục đó không phải là sự kết thúc cho tuần này. Ngày 20/3, Bloomberg đưa tin Tổng thống Nga Putin đã giành được ưu thế trong cuộc canh trạnh giá dầu với Saudi.

 Sau đó, ngay trước khi Phố Wall mở cửa, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ đã tăng 70.000 lên mức cao nhất trong hai năm là 281.000. Goldman Sachs sau đó đã cảnh báo về khả năng sa thải hàng loạt công nhân, dấy lên những lo ngại về cảnh báo của ông Mnuchin trước đó.

Trong khi đó, dịch COVID-19 đang lây lan rộng trên khắp nước Mỹ với 40 triệu người California và 20 triệu dân New York bị phong tỏa.

Một tín hiệu tích cực nhen nhóm khi Ủy ban Đường sắt Texas (TRC), nơi điều tiết sản lượng dầu thô của bang sản xuất dầu lớn nhất nước Mỹ, đang xem xét việc cắt giảm nguồn cung, là biện pháp lần cuối thực thi vào những năm 1970. 

Ryan Sitton, một trong ba ủy viên tại TRC đã có cuộc điện đàm với Mohammed Barkindo, Tổng Thư kí OPEC và được mời tham dự cuộc họp OPEC vào tháng 6, một sự phát triển không thể tưởng tượng được trong những năm trước.

Tuy nhiên, Chủ tịch TRC Wayne Christian như "dội gáo nước lạnh" vào lần hợp tác này khi bày tỏ sự dè dặt về việc thực hiện bất kì cắt giảm sản xuất nào ở bang Texas.

Reuters đưa tin ngày 20/3 rằng chính quyền Trump có kế hoạch cử một đại diện tới Arab Saudi để hợp tác với vương quốc này trong việc ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu. 

Không mong đợi một thị trường khả quan trong tuần tới và giới đầu tư nên chuẩn bị tâm lí vì giá có thể biến động mạnh hơn khi virus corona ngày càng lan rộng ở Mỹ khiến các nhà sản xuất ở các tiểu bang phải đóng cửa ngay cả khi chính quyền nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh và các nhà lập pháp bắt tay vào kế hoạch giải cứu trị giá hơn 2 nghìn tỉ USD .


Linh Giang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.