Giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm tăng gần 18%, nhiều thị trường tiêu thụ tăng bất ngờ
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết tính đến ngày 15/6, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 3,2 triệu tấn, trị giá 1,6 tỉ USD tăng 4,6% về lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Tính riêng khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 năm 2020 ước đạt 409.000 tấn với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,5 triệu tấn và 1,71 tỉ USD, tăng 4,4% về khối lượng và tăng gần 18% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Về thị trường xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 39,9% thị phần, khối lượng đạt 1,3 triệu tấn và 598,6 triệu USD, tăng hơn 23% về khối lượng và tăng 42,2% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Đáng chú ý các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là: Senegal gấp 18,3 lần, Indonesia gấp 2,9 lần và Trung Quốc gấp 2,3 lần. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Hong Kong giảm 38,6%.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2020 đạt 485,1 USD/tấn, tăng hơn 13% so với cùng kì năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 38,0% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 38%; gạo nếp chiếm 19,6%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.
Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines với 399 triệu USD, chiếm 63,6%, Malaysia với 78,9 triệu USD, chiếm 12,6% và Ghana với 18,4 triệu USD, chiếm 2,9%.
Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines với 229,4 triệu USD, chiếm 36,6%, Ghana với 91,3 triệu USD, chiếm 14,6% và Bờ Biển Ngà với 61,6 triệu USD, chiếm 9,8%.
Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc với 244,8 triệu USD, chiếm 75,6%, Philippines với 25,2 triệu USD, chiếm 7,8% và Malaysia với 18,5 triệu USD, chiếm 5,7%.
Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Kiribati với 20,3 triệu USD, chiếm 29,4%, Đảo quốc Solomon với 8,6 triệu USD, chiếm 12,4%, và Philippines với 5,9 triệu USD, chiếm 8,5%.