Giá tiêu hôm nay 25/9: Có địa phương giảm 1.000 đồng/kg trong tuần qua
Xem thêm: Giá tiêu hôm nay 26/9
Cập nhật giá tiêu trong nước
Giá tiêu tuần này có xu hướng đi xuống tại các tỉnh trọng điểm trong nước. So với đầu tuần, giá thu mua giảm 500 - 1.000 đồng/kg.
Theo khảo sát, mức giá thấp nhất là 64.000 đồng/kg hiện được ghi nhận tại tỉnh Gia Lai.
Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cùng ghi nhận mức giá thu mua là 65.000 đồng/kg. Nhỉnh hơn là Đồng Nai với mức 65.500 đồng/kg.
Sau biến động trong tuần, giá hồ tiêu tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu đang ở mức lần lượt là 66.000 đồng/kg và 67.000 đồng/kg.
Cập nhật thông tin hồ tiêu thế giới
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường nhập khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới. Hiện, nguồn cung hạt tiêu cho EU chủ yếu từ thị trường ngoại khối, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn cung hạt tiêu từ các nước đang phát triển cũng có nghĩa là hầu như tất cả thương mại nội khối EU (bao gồm hàng tái xuất) ban đầu đều đến từ các nước đang phát triển. Do đó, EU là thị trường mà bất kỳ nước sản xuất hạt tiêu nào cũng muốn thâm nhập sâu, rộng.
Tại EU, gần 90% lượng hạt tiêu đen nhập khẩu là hạt tiêu nguyên hạt, 10% còn lại là hạt tiêu xay. Các nhà nhập khẩu EU chuộng hạt tiêu nguyên hạt vì dễ kiểm tra và kiểm soát độ an toàn và chất lượng.
Ngoài ra, hạt tiêu nguyên hạt được sấy khô đúng cách có thể lưu giữ hương vị trong một thời gian dài. Tiêu thụ hạt tiêu đen dự kiến sẽ tiếp tục tăng với tốc độ ổn định nhờ sự gia tăng dân số EU.
Dự kiến nhập khẩu hạt tiêu của EU có khả năng tăng với tốc độ tăng hàng năm khoảng 1 - 2%. Các thị trường EU có lợi thế về giá so với các thị trường châu Á đối với các nhà xuất khẩu tiêu đen chất lượng cao và sản xuất bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, EU nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường ngoại khối đạt 35,9 nghìn tấn, trị giá 170,53 triệu EUR, tăng 8,9% về lượng và tăng 68% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, EU nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt xấp xỉ 19,8 nghìn tấn, trị giá 94,27 triệu EUR, tăng 27,6% về lượng và tăng 103,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu EU tăng từ 31,25% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 37,36% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Ngược lại, EU giảm nhập khẩu hạt tiêu từ Brazil với mức giảm 12,4% về lượng, nhưng tăng 46,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 8,91 nghìn tấn, trị giá 34,39 triệu EUR.
Thị phần hạt tiêu của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu EU giảm từ 20,49% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống còn 16,84% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Để thâm nhập thị trường EU, sản phẩm hạt tiêu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, bao bì, nhãn mác. Với kết quả phân tích trên có thể thấy, ngoài việc tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA mang lại, ngành hạt tiêu Việt Nam đã thực hiện tốt các yêu cầu khắt khe của thị trường EU.