|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu được dự báo có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg, hàng đang nằm trong tay ai?

06:44 | 20/10/2021
Chia sẻ
Giá tiêu trong nước được dự đoán có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg bởi nhu cầu thị trường tiêu thụ đang cao trong khi nguồn cung trong nước đang khan hiếm. Vậy hiện hàng đang nằm trong tay ai?

Hàng đang nằm trong tay ai: Doanh nghiệp xuất khẩu, đầu cơ hay nông dân?

Tính từ đầu năm đến nay, giá tiêu tăng mạnh tới 50%, gần chạm ngưỡng 90.000 đồng/kg. Đây là kết quả của nguồn cung thiếu hụt do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thời tiết xấu khiến sản lượng giảm.

Giá tiêu dự báo có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg, hàng đang nằm trong tay ai? - Ảnh 1.

Diễn biến giá tiêu từ đầu năm đến nay (Số liệu: tổng hợp, Biểu đồ: H.Mĩ)

Theo ước tính của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sản lượng tiêu năm 2021 giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái xuống khoảng 180.000 tấn. 

Thêm vào đó, trao đổi với người viết, ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết giới đầu cơ tăng cường mua vào, găm hàng khiến cho giá càng được đẩy lên.

“Giai đoạn tháng 5, khi giá tiêu khoảng 50.000 đồng/kg, giới đầu tư bắt đầu gom hàng. Và họ được ví với cái tên “nhà giàu” trong ngành bởi hiện giá đang rất cao trong khi nhiều người dân không còn nhiều”, vị này nhận định. 

Hồi tháng 8, khi nhiều tỉnh phía nam, Tây Nguyên loay hoay với những quy định phòng dịch, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tiêu đau đầu trong việc thu mua hàng, một phần giao thông, vận tải khó khăn vì không có giấy đi đường, phần khác là vì các đại lý, đầu cơ đã gom hàng trước đó. 

Chia sẻ với người viết, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group Phan Minh Thông, người được mệnh danh là “vua tiêu” cho biết ngay cả khi doanh nghiệp không thể thu mua được hàng do quy định giãn cách xã hội nhưng giá tiêu vẫn tăng mạnh bởi yếu tố đầu cơ. 

“Những diễn biến thị trường vừa qua không khác mấy với trò “đỏ-đen” khi yếu tố đầu cơ quá nhiều”, ông Thông cho biết.

Tuy nhiên, hiện tại, ông Thông cho biết hoạt động thu mua suôn sẻ hơn thời điểm giãn cách xã hội và hàng cũng đã "sẵn" hơn nhưng phải mua với giá cao.

Việc doanh nghiệp xuất khẩu không thể xuất hàng (phần vì logistics, COVID-19, phần vì không mua được hàng) đã phản ánh ngay trong kết quả xuất khẩu tiêu tháng 9. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 9 đạt 15.336 tấn, trị giá đạt 61,8 triệu USD, giảm 13% về lượng và 7% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 16% về lượng nhưng tăng 35,4% về trị giá. 

Giá tiêu dự báo có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg, hàng đang nằm trong tay ai? - Ảnh 2.

Lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 - 2021 (Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam. Biểu đồ: H.Mĩ).

Mặc dù, giới đầu cơ được cho là đang nắm giữ hàng nhưng theo chuyên gia quan sát trong ngành, lượng tiêu này cũng không đáp ứng đủ cho doanh nghiệp xuất khẩu. 

Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu cho biết hiện đã cuối vụ và lượng hàng trong tay người nông dân cũng hạn chế. 

Hiện tại vẫn chưa có thống kê chính thức tồn kho còn bao nhiêu. Tuy nhiên, nếu dựa vào con số dự báo về sản lượng năm nay là 180.000 tấn trong khi trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được gần 213.000 tấn có thể thấy dường như doanh nghiệp xuất khẩu đang phải huy động đến hàng tồn kho của những năm trước đây để đáp ứng các đơn hàng.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nếu giá tiêu đạt mốc 90.000 - 95.000 đồng/kg thì có thể lượng tồn kho 2 - 3 năm trước sẽ được bán ra thị trường.

Theo nhận định của ông Bính, nếu khi tiêu chạm mốc 95.000 - 100.000 đồng/kg giới đầu cơ có thể bán ra để chốt lời hoặc lấy vốn để chuyển sang gom cà phê.

Mốc 100.000 đồng/kg có khả thi?

Nhờ giá tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trong 9 tháng đầu năm nay đã vượt xa con số 660,6 triệu USD đạt được trong cả năm 2020 và với đà tăng giá tiêu hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam được kì vọng có thể trở lại là mặt hàng xuất khẩu tỷ USD trong năm nay.  

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nhu cầu tiêu ở các thị trường Châu Âu và Mỹ đang tăng mạnh trong khi nguồn cung khan hiếm ở cả Việt Nam (hiện đang chiếm 50% nguồn cung thế giới) và các nước khác do cũng chịu tác động bởi biến đổi khí hậu.

“Hiện khách hàng chấp nhận phải mua với giá khoảng 4.200 USD/tấn, cao gấp đôi so với hồi đầu năm vì nguồn cung khan hiếm và cước vận tải tăng mạnh. Do đó, ở thị trường tiêu nguyên liệu trong nước, giá tiêu cũng có thể cán mốc 100.000 đồng/kg”, ông Nam Hải cho biết.

Đợt tăng giá lần này được đánh giá là gần giống với đợt tăng giá diễn ra vào tháng 3 năm nay, khi đó giá tiêu tăng 22.000 – 24.000 đồng/kg chỉ trong một thời gian ngắn.

Trước đà tăng giá mạnh trong thời gian qua, ở một số tỉnh trồng tiêu trọng điểm đang xôn xao việc tìm mua trụ gỗ, trụ bê tông, cây trụ sống và giống để bắt đầu trồng mới diện tích hồ tiêu.

Nhưng các chuyên gia khuyến cáo các chủ vườn nên trồng xen canh với cây lâu năm, không tái canh trên vườn tiêu cũ đã chết. Đồng thời, chọn đất, chọn giống tốt và tuân thủ quy trình theo hướng hữu cơ để phát triển ngành tiêu bền vững. 

H.Mĩ