Giá thuê mặt bằng bán lẻ khu trung tâm Hà Nội và TP HCM tăng
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng bắt đầu khôi phục trong năm 2022. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính chung năm 2022, mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 20% so với năm trước, ước đạt gần 6 triệu tỷ đồng.
Hoạt động bán lẻ hàng hóa cũng được hỗ trợ bởi sự khôi phục hoạt động du lịch cũng như lượng khách quốc tế bắt đầu quay trở lại Việt Nam. Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, lượng khách quốc tế ước đạt hơn 3,6 triệu lượt người, gấp 23 lần so với năm trước nhưng nếu so với năm 2019, thời gian trước khi dịch diễn ra thì con số trên giảm gần 80%.
Những động lực trên phần nào giúp cho thị trường bất động sản bán lẻ đón nhận những dấu hiệu khả quan sau thời gian giãn cách.
Tại thị trường TP HCM, theo thống kê của Crushman & Wakefield, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ đang hoạt động tính đến quý IV/2022 đạt hơn 1 triệu m2.
Trong đó, Thiso Mall (Trung tâm Thương mại (TTTM) mới tại khu phía Đông) đóng góp thêm khoảng 33.000 m2 trong quý. Ngoài ra, năm nay, 4 dự án được dự báo sẽ đi vào hoạt động là Central Premium Plaza, Vincom Megamall Grand Park, Sunrise City Central và Emart 2 sẽ đóng góp hơn 116.000 m2 diện tích sàn bán lẻ mới.
Crushman & Wakefield cũng cho biết, năm 2022, nhiều TTTM đã lên kế hoạch và tiến hành cải tạo, tái cấu trúc mặt bằng thương mại, hứa hẹn sẽ đáp ứng phần nào sự khan hiếm mặt bằng tốt trên thị trường.
Tỷ lệ lấp đầy ở phân khúc bất động sản này của thị trường TP HCM trong quý IV/2022 đạt 88%, thấp hơn khi so sánh với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, giá thuê ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với hơn 49 USD/m2/tháng.
Trong khi đó, theo báo cáo của Savills Việt Nam, thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội trong quý IV/2022 không có nguồn cung mới. Tổng nguồn cung tính đến thời điểm hiện tại đạt 1,7 triệu m2, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn vị này cho biết, mức giá thuê gộp tầng trệt đã tăng 10% so với cùng kỳ 2021, lên mức hơn 1 triệu đồng/m2/tháng. Kể từ năm 2018, giá thuê gộp tầng trệt tại khu vực trung tâm đã tăng 7% mỗi năm, trong khi các khu vực khác tăng 1% mỗi năm.
Trong năm 2022, diện tích cho thuê mới đạt 63.200 m2, tăng 364% so với cùng kỳ. Trong đó, khối đế bán lẻ chiếm tỷ trọng 62%, trung tâm mua sắm chiếm 29% và trung tâm bách hóa là 9%.
Tương tự thị trường TP HCM, Savills cũng cho biết các bất động sản lỗi thời đang được cải tạo để tăng khả năng cạnh tranh. Các trung tâm mua sắm và khối đế bán lẻ như Indochina Plaza, Bamboo Airways Tower đều đang được cải tạo để đưa ra mặt bằng mới.
Đơn vị nghiên cứu đưa ra nhận định, nhu cầu mặt bằng hạng sang tại thị trường này đang vượt nguồn cung. Các thương hiệu cao cấp dự kiến sẽ gia nhập thị trường, trong đó, một số là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và mặt bằng hạng sang không đủ đáp ứng nhu cầu từ các nhà bán lẻ quốc tế.
Các mặt bằng bán lẻ cao cấp tập trung ở khu vực trung tâm với diện tích cho thuê của cửa hàng trong khoảng50 m2 đến 1.000 m2 (trung bình 260 m2). Trong năm 2023, Savills dự báo, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội dự kiến sẽ tăng thêm 212.400 m2 đến từ 15 dự án.