Giá thuê căn hộ dịch vụ tiếp đà tăng
Trong báo cáo thị trường mới đây, Savills cho biết giá thuê tất cả hạng căn hộ dịch vụ tại hai thành phố lớn đều tăng theo năm. Tại TP HCM, mức tăng cao nhất thuộc về hạng C với 8%, tiếp theo là hạng B ở mức 5% và hạng A tăng 3%. Giá thuê căn hộ dịch vụ trung bình đạt 516.000 đồng mỗi m2 một tháng, tăng 3% theo năm. Tuy nhiên mức tăng này vẫn thấp hơn 11% so với năm 2019.
Lượng tiêu thụ căn hộ dịch vụ cũng ghi nhận đà phục hồi tích cực. Trong năm 2023, số căn tiêu thụ đạt 504 căn trong đó hạng C chiếm cao nhất, tập trung ở quận 1 và quận Bình Thạnh. Công suất thuê cả năm đạt 82%, tăng 6% theo năm.
Tại Hà Nội, giá thuê căn hộ dịch vụ trong năm 2023 đạt 580.000 đồng mỗi m2 một tháng, tăng 1% theo năm. Tỷ lệ lấp đầy đạt 83%, trong đó hạng A có mức tăng trưởng lớn nhất với 4% theo quý.
Dữ liệu của Avison Young cũng cho thấy tình hình hoạt động căn hộ dịch vụ năm 2023 tích cực hơn so với 2022. Giá thuê trung bình và tỷ lệ lấp đầy tại TP HCM và Hà Nội tiếp đà tăng. Trong đó giá thuê căn hộ dịch vụ hạng A dao động 1.633-7.200 USD (khoảng 40-176 triệu đồng một căn). Tại Hà Nội, giá thuê hạng A theo tháng dao động 1.551-7.550 USD một căn (khoảng 38-185 triệu đồng một căn).
Theo Avison Young, hầu hết người thuê căn hộ dịch vụ ở hai thành phố đều ký hợp đồng thuê một năm, thậm chí một số ký hợp đồng kéo dài tới ba năm. Khách thuê có thể tiết kiệm tới 30% khi thuê từ một năm trở lên, giúp các dự án căn hộ dịch vụ có tỷ lệ lấp đầy ổn định. Do nhu cầu mạnh mẽ, vị trí thuận tiện và giá thấp hơn so với căn hộ diện tích lớn, căn hộ studio và hai phòng ngủ hiện có công suất cho thuê cao nhất.
Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho biết nhu cầu căn hộ dịch vụ trở lại mạnh mẽ trong năm 2023 so với 2022 nhờ sự gia tăng của chuyên gia nước ngoài đến từ các dự án có vốn FDI và cơ sở hạ tầng được nâng cấp.
Tại TP HCM, tổng vốn FDI trong năm 2023 đạt 5,9 tỷ USD, tăng 49% theo năm và đứng đầu cả nước. Năm qua, thành phố có hơn 16.000 lao động nước ngoài được cấp phép, cao nhất cả nước và cao hơn 92% so với vị trí thứ hai là Hà Nội. Trong bối cảnh kinh tế phục hồi, chuyên gia nước ngoài quay trở lại, nhu cầu lưu trú được kỳ vọng tăng trưởng ổn định.
Tại Hà Nội, vốn FDI đăng ký đạt mức cao nhất trong vòng ba năm qua với 2,9 tỷ USD, tăng 70% theo năm. Thành phố đặt mục tiêu phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp đồng thời nâng cao cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy nhu cầu lưu trú từ nguồn chuyên gia nước ngoài.
Chuyên gia Avison Young nhìn nhận, để đón đầu các dự án FDI công nghệ cao, các nhà đầu tư căn hộ dịch vụ có thể tìm kiếm cơ hội mở rộng địa điểm gần các khu công nghiệp, cửa ngõ thành phố, ưu tiên khu vực có hạ tầng giao thông phát triển.
Mặc dù ghi nhận đà phục hồi về công suất thuê và giá thuê, nguồn cung căn hộ dịch vụ được dự báo hạn chế trong tương lai. Đến năm 2025, thị trường TP HCM dự kiến chỉ có 600 căn đến từ 9 dự án. Trong đó, 5 dự án với 260 căn dự kiến mở lại trong năm nay sau khi đã cải tạo. Tại Hà Nội, quận Tây Hồ sẽ chiếm 63% nguồn cung tương lai. Trong năm nay, thành phố dự kiến có thêm 450 căn hộ dịch vụ, tập trung ở hạng A và B.