|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thép xây dựng hôm nay (27/1): Sự bùng phát virus corona gây rủi ro đối với triển vọng quặng sắt và thép

10:39 | 27/01/2020
Chia sẻ
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải ổn định ở mức 3.500 nhân dân tệ/tấn trong kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần.
Giá thép xây dựng hôm nay (27/1): Sự bùng phát virus corona gây rủi ro đối với triển vọng quặng sắt và thép - Ảnh 1.

Sự bùng phát virus corona gây rủi ro đối với triển vọng quặng sắt và thép

Giá thép xây dựng hôm nay

Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải ở mức 3.500 nhân dân tệ/tấn trong kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần.

Giá thép thanh ổn định trong tháng đầu tiên của năm, đạt 3.521 nhân dân tệ/tấn vào thứ Tư (22/1), ít thay đổi từ mức 3.558 nhân dân tệ/tấn vào cuối năm ngoái nhưng thấp hơn 3,5% so với mức cao nhất 8 năm 3.647 nhân dân tệ/tấn vào ngày 1/7 năm ngoái.

Rủi ro đối với nhu cầu hàng hóa từ sự lây lan virus corona ở Trung Quốc cho đến nay vẫn tập trung vào dầu thô và các sản phẩm liên quan như nhiên liệu máy bay nhưng thị trường quặng sắt và thép cũng sẽ bị tác động tiêu cực, theo Reuters.

Nhu cầu quặng sắt và thép sẽ trở thành vấn đề đáng quan tâm nếu loại virus lan rộng, gây ảnh hưởng đến mùa xây dựng của Trung Quốc.

Vẫn còn quá sớm để đánh giá hoạt động xây dựng bị virus coronavirus tác động, nhưng đó là một yếu tố rủi ro đối với triển vọng nhu cầu quặng sắt và thép.

Cả quặng sắt và thép đều có một năm 2019 tăng mạnh. Giá quặng sắt đạt mức cao nhất 5 năm sau khi nguồn cung giảm sau sự cố vỡ đập nghiêm trọng ở Brazil và bão nhiệt đới ở Australia.

Giá quặng sắt hàm lượng 62% đạt mức cao nhất 125,2 USD/tấn vào tháng 7 năm ngoái trong bối cảnh lo ngại nguồn cung và rút lui xuống mức thấp 78,15 USD/tấn vào giữa tháng 11.

Giá quặng sắt hàm lượng 62% tăng 22% từ mức thấp ngày 11/11 lên 95,6 USD/tấn vào thứ Tư (22/1).

Theo thống kê chính thức, sản lượng thép của Trung Quốc đạt mức kỉ lục 996,34 triệu tấn vào năm 2019, tăng 8,3% so với năm 2018.

Ngành công nghiệp được thúc đẩy bởi lợi nhuận mạnh mẽ nhờ vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và xây dựng công trình tăng lên khi Bắc Kinh tăng cường các biện pháp kích thích để chống lại lực cản kinh tế trong cuộc tranh chấp thương mại kéo dài với Mỹ.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được hai nước kí kết trong tháng này sẽ cắt giảm chi tiêu mà Bắc Kinh sẽ bơm vào nền kinh tế trong năm 2020, kéo theo nhu cầu thép giảm.

Một yếu tố đáng lo là doanh số bán xe của Trung Quốc giảm 8.2% trong năm 2019 so với năm trước và dự báo giảm thêm 2% trong năm nay.



Linh Giang