Giá thép xây dựng hôm nay 24/6: Giảm do nhu cầu thấp từ các nhà máy sản xuất
Xem thêm: Giá thép xây dựng hôm nay 25/6
Giá thép hôm nay
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 2 đồng nhân dân tệ xuống 3.616 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h (giờ Việt Nam).
Kết thúc phiên giao dịch vào ngày thứ Ba (23/6) tại Sàn Đại Liên, hợp đồng quặng sắt tương lai (giao tháng 9) giảm 0,3% xuống mức 757 nhân dân tệ/tấn, tương đương 107,05 USD. Trong khi đó, thép không gỉ tương lai giảm 0,2% xuống mức 13.190 nhân dân tệ/tấn.
Đối với các thành phần nguyên liệu sản xuất luyện thép khác, than luyện cốc tại Sàn Đại Liên tăng 0,9% lên 1.190 nhân dân tệ/tấn, than cốc giảm 0,4% xuống còn 1.949 nhân dân tệ/tấn.
Với loại quặng sắt có hàm lượng 62%, giá giao ngay khi tới Trung Quốc là 102,5 USD/tấn, giảm 1,5 USD/tấn so với tuần trước. Tương tự, giá cuộn cán nóng cũng giảm 1.1% xuống còn 3.603 nhân dân tệ/tấn.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Thế giới vào thứ Hai (22/6), sản lượng thép thô toàn cầu giảm 8,7% xuống 148,8 triệu tấn trong tháng 5, trong khi sản lượng tại Trung Quốc tăng lên 4,2%.
Theo dữ liệu từ Mysteel, trong tuần vừa qua, giá trị các lô quặng sắt từ Úc và Brazil đã tăng 1,4 triệu tấn lên 26,57 triệu tấn, tính đến hết ngày 21/6. Trong đó, nguồn tăng số lượng nhập khẩu quặng sắt chủ yếu là đến từ Úc.
Còn tại châu Âu, tập đoàn Liberty Steel đang có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng tại một nhà máy của Anh lên 1 triệu tấn trong vòng 3 - 5 năm tới với nhiệm vụ chủ yếu là xử lí thép phế liệu và sản xuất thép cây cho ngành xây dựng.
Từ ngày 1/7/2020, các biện pháp sửa đổi để bảo vệ ngành thép tại EU sẽ chính thức được áp dụng bao gồm các hạn ngạch mới, cụ thể theo từng quốc gia đối với việc nhập khẩu thép cuộn cán nóng và quản lí tải trọng đối với tất cả các mặt hàng.
Nhu cầu thép đã giảm đáng kể từ sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến cho hạn ngạch nhập khẩu cũng bị cắt giảm tương ứng. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu vẫn giữ kế hoạch tăng khối lượng hạn ngạch hàng năm thêm 3% kể từ ngày 1/7.
Còn tại Thụy Điển, các nhà sản xuất xe hơi đã hoạt động trở lại, tuy nhiên, năng suất vẫn còn ở mức thấp. Mới đây, Volvo AB - tập đoàn sản xuất ô tô lớn tại quốc gia này tuyên bố sẽ cắt giảm 4.100 việc làm trên toàn thế giới, theo thông tin từ Reuter.