|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giá nước sạch: Vênh vì không thể áp một ‘cái áo đồng phục’ cho cả nước

21:37 | 28/11/2019
Chia sẻ
Theo giới chuyên gia, việc mức giá nước sạch giữa các tỉnh, thành cũng như giữa các nhà máy cấp nước khác nhau là bởi mức giá phụ thuộc còn vào chi phí đầu tư, điệu kiện môi trường khác nhau.
Giá nước sạch: Vênh vì không thể áp một ‘cái áo đồng phục’ cho cả nước - Ảnh 1.

Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ. (Nguồn: Vietnam+)

Thảo luận tại buổi Tọa đàm “Giá nước - Đảm bảo lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng” diễn ra sáng 28/11, giới chuyên gia cho rằng việc khác nhau về mức giá nước sạch giữa các tỉnh, thành cũng như giữa các nhà máy cấp nước sạch ở Hà Nội trong thời gian qua là bởi phương án giá phụ thuộc vào chi phí đầu tư, khấu hao tài sản, điều kiện môi trường, nhu cầu sử dụng, nên không thể áp theo một mức giá.

Điều này cũng giống như “một chiếc áo đồng phục không thể áp cho một tỉnh cũng như toàn bộ cả nước.”

Mỗi tỉnh, thành phố có một mức giá nước khác nhau

Đề cập đến việc áp dụng, vận dụng các quy định về giá nước sinh hoạt tại mỗi địa phương hiện nay, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Hội thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) cho biết về mặt pháp lý, quy định pháp luật về định giá được đề cập tại Nghị định 117 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung ứng nước sạch; Văn bản thông tư liên tich số 75 năm 2012 liên Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Đi kèm với các Nghị định, văn bản trên, Thông tư 88 của Bộ Tài chính cũng quy định chi tiết về căn cứ cụ thể, phương pháp tính giá, quy trình phân cấp định giá. Đến nay, hầu hết các địa phương đều đánh giá các Thông tư khá phù hợp và chấp hành nghiêm túc các văn bản hướng dẫn về định giá.

Tuy nhiên, ông Thỏa cũng lưu ý, trong thời gian tới sẽ phải có những chỉnh sửa để phù hợp với tình hình thực tế. Bởi theo ông, dù Thông tư số 75 quy định giá cụ thể, có hóa đơn chứng từ cụ thể để điều chỉnh giá, song có những địa phương lại tính toán, định giá nước theo lộ trình, việc này áp dụng theo Nghị định 117 năm 2007.

Về các mức giá, ông Thỏa cho biết đại đa số tính giá bù đắp được chi phí sản xuất và có lợi nhuận, tối thiểu 5%, nhưng không phải 100% các địa phương, giá nước đều đảm bảo, bởi cũng có các địa phương giá chưa bù đắp được chi phí sản xuất.

Chủ tịch Hội Hội thẩm định giá Việt Nam khẳng định quy định của Nhà nước rất linh hoạt, đảm bảo giá phù hợp với biến động, nhưng việc thẩm định phương án giá trình Ủy ban Nhân dân tỉnh lại dài, ít nhất là 9 tháng. Thời gian duyệt dự án rất lâu, cẩn thận là đúng nhưng như vậy sẽ làm giảm các cơ hội của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, “hầu như chúng ta chưa có tuyên truyền về các văn bản tính giá, khiến người dân chưa hiểu được cơ sở để tính giá, chi phí để hình thành giá tạo nên tranh cãi trong dư luận,” ông Thỏa nói thêm.

Dẫn 3 lý do cơ bản khiến việc quy định giá nước sạch tại các địa phương khác nhau, ông Thỏa cho rằng nguyên nhân đầu tiên là do vấn đề đầu vào để sản xuất nước sạch có 2 nguồn gồm nước ngầm và nước mặt. Việc đầu vào khác nhau, kéo theo chi phí xử lý cũng khác nhau. 

"Ngay như nước mặt tại Hà Nội cũng có chỗ không có phù sa. Với sông Đuống có phù sa thì cần có khu bể lắng để xử lý, nơi có bùn thì cần có chi phí xử lý bùn," ông Thỏa lưu ý.

Thứ hai là, trong Nghị định 117 có phương án giá phải dựa trên cơ cấu nguồn vốn đã có, đi vay ít hay nhiều thì lãi vay cao thấp khác nhau. Thứ ba, quy định về khấu hao tài sản cũng là khoản chi phí hình thành nên giá, tài sản đã hết khấu hao nhưng vẫn dùng được vào sản xuất và sử dụng nhưng không tính vào giá.

Như vậy, ba "yếu tố trên đã tạo nên các mức giá khác nhau." ông Thỏa nhấn mạnh.

Có chung quan điểm, ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết: “Dù chúng ta đã có khung pháp lý phù hợp, nhưng nước là loại hàng hóa đặc thù, nên hiện 63 tỉnh thành lại có 63 mức giá khác nhau. Nếu có 100 đơn vị cấp nước thì tôi tin sẽ có 100 mức giá khác nhau.”

Lý do được ông Hưng đưa ra là giá nước không đơn thuần là vấn đề lý thuyết mà tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, về dân sinh, môi trường của từng đơn vị đầu tư cấp nước. “Vì thế, Nhà nước không thể thống nhất, áp theo một mức giá cho toàn quốc, mà phải phù hợp với từng địa phương,” ông Hưng nêu quan điểm.

Giá nước sạch: Vênh vì không thể áp một ‘cái áo đồng phục’ cho cả nước - Ảnh 2.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Minh Sơn/Vietnam+)

Mức giá nước sông Đuống mới chỉ là tạm tính

Đề cập đến vấn đề chênh lệch giá nước sạch ở Hà Nội, ông Mai Xuân Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hà Nội cho rằng nước sạch là hàng hóa liên quan đến toàn bộ người dân, đặc biệt là an sinh xã hội. Do vậy, từ năm 2013 đến nay, thành phố Hà Nội vẫn đang áp dụng bảng giá nước theo Quyết định số 38, 39.

Phân tích rõ hơn, ông Vinh cho biết tiền giá nước được tính trên cơ sở m3 nước tiêu thụ. Ví dụ, đối với người nghèo, nếu dùng 10m3 nước thì mức giá là 6.000 đồng/m3. Còn dùng trên 30m3 thì giá lại tăng lên khoảng 16.000 đồng/m3. 

“Nếu theo mức giá này thì dường như lại phi thị trường, bởi đúng ra dùng nhiều thì phải được giảm giá, còn đây dùng nhiều, giá lại cao hơn. Nhưng, hiện nay thành phố Hà Nội vẫn phải áp dụng để đảm bảo cho an sinh xã hội,” ông Vinh nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thông tư số 80 của Bộ Tài chính cũng quy định rõ khung giá tối thiểu. Nếu như Hà Nội là đô thị đặc biệt, mức giá tối thiểu là 3,5 nghìn đồng/m3, tối đa là 18 nghìn đồng/m3. Toàn bộ giá này liên quan đến chi phí đầu vào, đó là vấn đề đầu tư nguyên vật liệu, nhân công, cũng như liên quan đến tỷ lệ thất thoát trong đầu tư.

Như vậy, “một chiếc áo đồng phục không thể áp cho một tỉnh, cũng như cho toàn bộ cả nước,” ông Vinh nêu quan điểm.

Về thông tin nước sạch sông Đuống áp mức giá tối đa là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm giá trị gia tăng), chưa kể lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm, ông Vinh cho rằng “đấy là mức giá tạm tính, bởi toàn bộ dự án này hiện chưa được quyết toán cũng như chưa được kiểm toán...”

Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hà Nội cũng lưu ý, hiện giá mới chỉ tạm tính để trình thành phố trong phương án giá. Trong nội dung liên quan đến việc hiệp thương để đưa vào đấu nối thì hiện nay nước sạch Hà Nội có khoảng 12-13% nước sạch sông Đuống đấu nối. Trong đó có phần hiệp thương giá, tính ra là khoảng 7.700 đồng, để đưa vào như mức giá bán buôn.

Theo ông Vinh, đây là mức tạm tính chưa cụ thể để tính ra toàn bộ mức giá hiệp thương, cũng như phê duyệt bởi Ủy ban Nhân dân thành phố trong việc xác định giá. Theo các quy định hiện nay, thành phố Hà Nội đang tổ chức rà soát, tính toán lại, cũng như điều chỉnh toàn bộ lại mức giá nước sạch theo Quyết định số 38, 39.

“Còn thông tin giá nước sạch sông Đuống trên 10.000 đồng/m3, cũng như tính vào giá để bán buôn cho nước sạch Hà Nội và nước sạch Hà Đông là 7.700 đồng/m3 là chưa chính xác,” ông Vinh nhấn mạnh.

Giá nước sạch: Vênh vì không thể áp một ‘cái áo đồng phục’ cho cả nước - Ảnh 3.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Cần phải "tính đúng, tính đủ" nhưng “đừng tham quá”

Chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đăng Quý, Chủ tịch Công ty Cổ phần cấp nước Nam Định cho hay, hiện nay ngành nước đã cổ phần hóa nên cần tối đa hóa lợi nhuận, vay vốn đầu tư cần trả lãi ngân hàng, trả cổ tức hàng năm cho các cổ đông. Do đó, doanh nghiệp cấp nước gặp nhiều khó khăn.

Ông Quý lấy ví dụ hiện doanh nghiệp cấp nước nếu lấy nước sông Đáy hiện ô nhiễm không thể xử lý, cần thay đổi nguồn nước, trong đó chi phí đường ống lớn. “Nếu đường ống 40km giá phải 20.000 đồng mới có lãi,” ông nhấn mạnh và kiến kiến nghị Thông tư 75 cần phải xem xét lại.

Góp thêm ý kiến, ông Trần Quang Hưng cho rằng vấn đề nước hiện chưa tính đúng, tính đủ. "Nước ảnh hưởng đến kinh tế, nhưng giá nước có tăng lên đến 20.000 đồng/m3 thì cũng không ảnh hưởng gì lắm đến cuộc sống của người dân.”

“Bởi vì 20.000/m3 nước, nếu mỗi ngày chúng ta dùng 150 lít, cũng nhỉ mất chỉ có 3.000 đồng/ngày. Tính ra chỉ bằng chén trà đá, trong khi người ta mang 150 lít nước đến tận nhà. Cho nên cần hiểu nước là nhu cầu thiết yếu những cũng là thứ hàng hóa rẻ nhất,” ông Hưng phân tích.

Vậy tại sao nói về vấn đề giá nước, chúng ta lại bàn tán nhiều như vậy? Và tại Hà Nội lại cần thuê tư vấn độc lập? ông Hưng cho rằng “cần phải dùng tư vấn độc lập, bởi ở Hà Nội hiện nay có 3 nguồn nước. Trong đó, đáng chú ý là nước ngầm.

“Với nhà máy nước sông Đà, hay nước sông Đuống cũng vậy. Người ta phải xử lý và sử dung bao nhiêu hóa chất, bao nhiêu điện, bao nhiều nhân công thì phải thuê tư vấn độc lập, chứ để họ tự kê khai, người dân không tin,” ông Hưng chia sẻ.

Trên phương diện là một người dân cần sử dụng nước sạch, ông Hưng cho rằng giá nước có thể cao, thậm chí tính theo giá nước ở châu Âu, nhưng vấn đề quan trọng nhất phải là sự minh bạch. 

“Cùng với đó là chất lượng nước phải đảm bảo, chất lượng dịch vụ phải liên tục 24/24 giờ. Ngoài ra, áp lực truyền nước phải đảm bảo. Còn nếu không đảm bảo thì làm sao người dân chấp thuận được,” ông Hưng nói.

Cùng bàn về vấn đề trên, Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam (Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng) cho rằng việc tính đúng, tính đủ giá nước sạch là yếu tố cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, nhưng phải thật sự minh bạch.

Tuy nhiên, “doanh nghiệp cũng đừng tham quá," ông Tiến nêu quan điểm và cho rằng việc áp giá cũng không thể tính giá theo kiểu “hóa thân vào tài sản” - nghĩa là tính giá nước gắn với tất cả chi phí đầu tư để người tiêu dùng trả kèm giá nước.

Hùng Võ