|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Giá nông sản ngày 7/6] Tiếp tục giảm sâu, giá tiêu đang về gần ngưỡng 70.000 đồng/kg

14:51 | 07/06/2017
Chia sẻ
Trên thị trường nông sản hôm nay (ngày 7/6), giá tiêu tiếp tục giảm sâu, hướng về ngưỡng 70.000 đồng/kg; trong khi giá cà phê bất ngờ giảm trở lại, mất gần như toàn bộ những gì đã đạt được trong phiên đầu tuần.
gia nong san ngay 76 tiep tuc giam sau gia tieu dang ve gan nguong 70000 dongkg
Một vườn hồ tiêu chuẩn bị thu hoạch của người dân. Ảnh: NH

Cập nhật giá nông sản ngày 7/6.

Trên thị trường hồ tiêu, giá thu mua tại các vùng nguyên liệu lớn tiếp tục giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg trong hôm nay. Sau hai ngày giảm liên tiếp, giá tiêu nguyên liệu tại Việt Nam hiện dao động rất hẹp, trong khoảng 71.000 – 73.000 đồng/kg.

gia nong san ngay 76 tiep tuc giam sau gia tieu dang ve gan nguong 70000 dongkg
Giá hồ tiêu tại Việt Nam (Nguồn: tintaynguyen.com)

Trong khi đó, vì nguồn cung ngày càng hạn hẹp nên tiêu Ấn Độ liên tiếp tăng giá. Thị trường kỳ hạn phiên hôm qua đã không có lô hàng nào được nhập về.

Theo đó, giá tiêu giao ngay tại Ấn Độ tăng thêm 100 rupee lên 50.600 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 52.600 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc). Tuy nhiên, giá tiêu Ấn Độ xuất sang châu Âu và Mỹ không đổi ở 8.400 USD/tấn và 8.650 USD/tấn.

Trên thị trường cà phê, giá lại quay đầu giảm trong phiên 6/6 và mất gần như toàn bộ những gì đã đạt được trong phiên kế trước. Giá robusta giao tháng 7 giảm 11 USD xuống 1.985 USD/tấn tại London và giá arabica giao cùng kỳ giảm 2,26% về lại 125,55 Uscent/pound. Trong đó, giá cà phê arabica đã về gần đáy một năm ghi nhận được vào cuối tuần trước.

Giá thu mua cà phê tại các vùng nguyên liệu lớn ở Tây Nguyên theo đó cũng giảm nhẹ 100 – 300 đồng/kg trong hôm nay, có nơi về lại ngưỡng 42.000 đồng/kg.

gia nong san ngay 76 tiep tuc giam sau gia tieu dang ve gan nguong 70000 dongkg
Giá cà phê tại Việt Nam (Nguồn: tintaynguyen.com)

Trước đó trong phiên đầu tuần, giá cà phê tăng mạnh nhờ hoạt động bán khống và thời tiết mùa đông bất lợi tại Brazil.

Giá cà phê biến động thất thường trong khoảng hai tuần gần đây khi thị trường liên tục cập nhật về tình hình thời tiết tại Brazil và nguồn cung tại một số nước sản xuất lớn.

“Brazil đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhưng giá giảm thực sự là vì yếu tố kỹ thuật. Triển vọng của các yếu tố kỹ thuật đang rất tiêu cực bởi giá đang ở dưới ngưỡng hỗ trợ,” ông Nick Gentile, Giám đốc quản lý công ty tư vấn giao dịch hàng hóa NickJen Capital nhận định.

Hơn nữa, thị trường vẫn đang nắm giữ một lượng lớn vị thế ngắn hạn với cà phê arabica, chuyên gia phân tích Jack Scoville tại công ty Inside Futures cho biết.

Không kể đến yếu tố kỹ thuật, thời tiết tại Brazil vẫn là một yếu tố quan trọng đối với thị trường cà phê, bởi Brazil hiện đang trong vụ hu hoạch.

Trên thị trường cao su, đà lao dốc vẫn chưa ngừng lại. Trong đó, giá hợp đồng giao tháng 11 trên sàn TOCOM (Nhật Bản) giảm thêm 2,9 yen xuống 182,9 yen/kg vào lúc 13h20. Như vậy, giá cao su TOCOM đã giảm 7 phiên liên tiếp và hiện đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ ngày 4/11/2016.

gia nong san ngay 76 tiep tuc giam sau gia tieu dang ve gan nguong 70000 dongkg
Giá cao su TOCOM (Nguồn: TOCOM)

Thị trường hôm nay có quá nhiều tin tức tiêu cực đối với cao su.

Trong đó, giá cao su tại Trung Quốc đang xu hướng giảm trở lại, với giá hợp đồng giao tháng 9 trên sàn SHFE giảm 20 nhân dân tệ sau hai phiên phục hồi nhẹ trước đó. Tuy nhiên, áp lực bán cao su trên sàn SHFE vẫn còn vì giá vẫn đang giao dịch ở gần đáy 12 năm.

Giá cao su tại Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung đang chịu áp lực giảm lớn vì tình trạng dư thừa nguồn cung quá lớn. “Nhìn chung ở Thái Lan và các khu vực khác ở châu Á, thị trường đang rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung,” một chuyên gia môi giới ở Tokyo cho hay.

Tỷ giá USD/JPY ngày càng suy yếu cũng là một phần nguyên nhân khiến giá cao su giảm. Trong phiên giao dịch hôm qua, USD xuống thấp hơn 6 tuần so với đồng yen Nhật và mất ngưỡng 110 yen/USD.

Ngoài ra, giá dầu tiếp tục giảm sau báo cáo về tồn kho dầu và sản phẩm lọc dầu của Viện Dầu khí Mỹ cũng như xung đột giữa các quốc gia vùng Vịnh và Qatar.

Thanh Tùng