Giả lập trạm thu phát sóng, gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng
Sáng ngày 06/12, sau khi nhận được thông tin có dấu hiệu có thiết bị giả lập trạm thu phát sóng (BTS) xuất hiện và phát tán tin nhắn lừa đảo trên địa bàn TP HCM từ phía nhà mạng, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II đã tổ chức đoàn công tác, tiến hành truy vết nguồn tín hiệu phát tán tin nhắn lừa đảo.
Quá trình theo dõi, đối tượng đã sử dụng xe máy, giấu thiết bị phát sóng BTS giả trong ba lô và liên tục di chuyển nhanh trên nhiều địa bàn, tuyến đường đông đúc phát tán tin nhắn lừa đảo.
Đến 11h20 cùng ngày, đoàn công tác Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an (A06) cùng Công an TP HCM đã phát hiện và bắt quả tang đối tượng đang sử dụng BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo. Đối tượng này hiện đang bị bắt giữ, đưa về trụ sở công an để tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê, năm 2023, Cục Tần số vô tuyến điện đã chủ động tham gia phối hợp cùng với cơ quan công an, các nhà mạng để kiểm soát, phát hiện và bắt giữ 19 vụ sử dụng BTS giả (với 20 thiết bị), tăng gần 4 lần so với năm 2022.
Các ngân hàng cũng đã lên tiếng cảnh báo người dùng về mối nguy từ các tin nhắn giả mạo. Cụ thể, khách hàng không click vào những link lạ, mã QR code được gửi qua tin nhắn hoặc tài khoản không được định danh.
Ngoài ra, ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng sử dụng điện thoại Android tắt quyền trợ năng (Accessibility) trước khi giao dịch trên ứng dụng ngân hàng, tránh bị chiếm quyền điều khiển thiết bị, lộ thông tin cá nhân.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cảnh báo các thiết bị BTS giả có thể phát tán tín hiệu đè lên sóng của các nhà mạng, khi đó thuê bao di động kết nối vào trạm phát sóng giả này mà không qua các nhà mạng.
Các thiết bị giả có thể thực hiện hàng nghìn tin nhắn trong 1 phút. Đặc biệt, trong nội dung tin nhắn rác thường gắn kèm các link lừa đảo, game độc hại, mạo danh website ngân hàng để lừa đảo…
Các trạm BTS giả này thường được nhập lậu vào Việt Nam, rất nhỏ gọn nên các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện. Các thiết bị này cũng có thể sử dụng được trên các phương tiện cơ động như ô tô và xe máy nên rất thuận tiện để các đối tượng thực hiện hoạt động lừa đảo.