|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giá kit xét nghiệm 'nhảy múa', Bộ Y tế nói gì?

15:17 | 30/09/2021
Chia sẻ
Nhu cầu xét nghiệm COVID-19 ở thời điểm hiện tại đang rất lớn, song việc loạn giá kit xét nghiệm khiến cho nhiều người không khỏi bức xúc. Bộ Y tế đã đưa ra những giải thích về vấn đề này, đồng thời chấn chỉnh việc thu phí xét nghiệm.

Trước các ý kiến phản ánh về giá kit xét nghiệm COVID-19 ở mức cao, bất thường, trong ngày 28/9, Bộ Y tế đã ra liên tiếp hai thông cáo báo chí thông tin về vấn đề này.

Theo Báo Chính phủ, giải thích về việc gần đây xuất hiện một số phản ánh khác nhau về giá xét nghiệm kháng nguyên nhanh, ngày 29/9, Bộ Y tế cho biết, giá của mặt hàng test xét nghiệm COVID-19 thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. 

Ví dụ, các loại kit xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của WHO, châu Âu, Mỹ, hoặc có xuất xứ từ châu Âu, Mỹ thường có giá cao hơn mặt bằng chung giá test kit của các nước khác. Việc mua test kit vào thời điểm dịch diễn biến phức tạp, căng thẳng ở nhiều nước, thị trường khan hiếm thì giá test kit xét nghiệm thường cao; số lượng mua càng lớn thì giá càng giảm...

Vì vậy không thể đánh đồng tất cả các loại kit xét nghiệm với nhau, cũng như không thể so sánh giá kit xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau, mà phải phụ thuộc vào các yếu tố chất lượng (độ nhạy, độ đặc hiệu), tình hình diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu mua sắm kit xét nghiệm trong nước và quốc tế.'

Giá kit xét nghiệm 'nhảy múa', Bộ Y tế nói gì? - Ảnh 1.

Một số cơ sở y tế còn thu chưa đúng mức giá theo hướng dẫn, quy định giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 quá cao, gây bức xúc cho nhân dân và trong dư luận xã hội. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đối với xét nghiệm trong các cơ sở y tế công lập, Bộ đã có văn bản yêu cầu việc tính giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên căn cứ vào thực thanh thực chi, cụ thể giá được tính toán dựa vào giá kit test, chi phí vật tư tiêu hao liên quan.

"Việc thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sắm được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu", Thứ trưởng cho hay.

Để tăng cường quản lý giá test nhanh, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (bao gồm test xét nghiệm), trong đó yêu cầu các đơn vị phải kê khai giá để công khai, minh bạch trong mua sắm đấu thầu. 

Sắp tới, Bộ Y tế tổng hợp ý kiến xong sẽ đề nghị đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá bởi vì hiện nay mặt hàng này chưa được quy định trong luật.

Theo Thứ trưởng Thuấn, đến nay Bộ Y tế chưa thực hiện việc mua sắm test kháng nguyên nhanh.

"Thời gian qua, thực hiện phương châm 4 tại chỗ nên các đơn vị, địa phương thực hiện việc mua sắm đấu thầu theo quy định. Tuy nhiên, theo tôi được biết các đơn vị chủ yếu sử dụng test do các đơn vị tài trợ như TP HCM vừa rồi được tài trợ 10 triệu test. Bộ Y tế cũng được các tổ chức quốc tế và các đơn vị tài trợ hơn 10 triệu test để phân bổ cho các địa phương", Thứ trưởng Y tế thông tin.

Trước đó, Thanh niên đưa tin, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương ngày 26/9, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết trong công tác phòng chống dịch, ngoài công sức còn tốn kém rất nhiều chi phí, trong đó có chi phí xét nghiệm nhanh.

Vì vậy, ông Hồng Anh đề xuất, cũng giống như vắc xin, Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ test xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ với chi phí gốc.

“Theo tôi được biết giá mua tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/test (khoảng 35.000 đồng - PV). Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng”, ông Hồng Anh nói.

Cũng theo ông Hồng Anh, hiện nay các các tỉnh thành đang đấu thầu giá 60.000 - 70.000 đồng/bộ thì dẫn đến rất lãng phí tiền của và đề nghị Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc này.

Phương Trang