|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá heo hơi giảm sâu, hộ chăn nuôi có bỏ cuộc chơi?

14:46 | 04/06/2021
Chia sẻ
Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, giá heo giảm sâu, một số hộ chăn nuôi cá thể giảm đàn nhưng không nhiều. Tổng đàn heo cả nước vẫn duy trì ở mức ổn định, đảm bảo nguồn cung nội địa.

Lo ngại người chăn nuôi bỏ chuồng

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong khi giá heo hơi trên thị trường thế giới tăng thì tại thị trường trong nước, giá heo hơi liên tục giảm. Trong tháng 5, giá heo hơi có xu hướng giảm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước do nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm.

Hiện, giá heo sống dao động trong khoảng 64.000 – 72.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 6.000 đồng/kg so với cuối tháng 4. So với cùng kỳ năm 2020, giá heo hơi giảm từ 25.000 - 29.000 đồng/kg.

Giá heo hơi giảm sâu, hộ chăn nuôi có bỏ cuộc chơi? - Ảnh 1.

Diễn biến giá heo từ ngày 30/4 đến ngày 4/6 (Đơn vị: đồng) (Biểu đồ: Hoàng Anh)

Giá heo giảm do thị trường tiêu thụ chậm khi dịch COVID-19 bùng phát khiến các hoạt động ăn uống và du lịch bị giới hạn, trong khi nguồn cung được đảm bảo do người chăn nuôi dần hồi phục đàn.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có thể biến động với nguy cơ từ dịch tả heo châu Phi và giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua, khiến không ít nông dân thua lỗ, phải bỏ chuồng.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết có tình trạng người chăn nuôi bỏ chuồng nhưng không nhiều và chủ yếu ở các hộ chăn nuôi bán chuyên nghiệp.

Ông Trọng lý giải nguyên dân do Việt Nam không chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, 90% thức ăn hỗn hợp là nhập ngoại.

"Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên cao, người chăn nuôi bán chuyên nghiệp thua lỗ, họ vào chuồng rất ít, thậm chí bỏ chuồng", ông Trọng nói.

Đại diện Cục Chăn nuôi cũng cho biết ngành chăn nuôi đang có sự thay đổi về cơ cấu chăn nuôi chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Số lượng hộ chăn nuôi cá thể (bán chuyên nghiệp) giảm theo dần theo các năm: 4 triệu hộ năm 2019; 2,4 triệu hộ năm 2020; hơn 2 triệu hộ đầu năm 2021.

Ở doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi chuyên nghiệp vẫn duy trì thay thế đàn, tái đàn do chủ động được con giống, thức ăn và đầu ra. Dù giá heo hơi xuống 60.000 đồng/kg, doanh nghiệp vẫn có lãi.

Do đó, tổng đàn heo trong quý I vẫn duy trì ở mức ổn định, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng heo hơi xuất chuồng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 7,5% so với  quý I/2020.

Giá gia súc, gia cầm sẽ thiết lập mặt bằng mới

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá thức ăn tăng, giá heo hơi xuống sẽ khiến người chăn nuôi chùn bước, xem xét việc tái đàn, cân đo lợi nhuận. Tuy nhiên, việc bỏ chuồng ngay thì chưa diễn ra.

Chuyên gia phân tích với tình hình sản xuất, giá heo hơi biến động hình sin nhưng sẽ khó "mơ" được giá heo cao ngưỡng 90.000 – 100.000 đồng/kg như thời điểm tháng 5/2020. Bởi, giá heo chỉ đột biến trong giai đoạn ngắn khi dịch tả heo châu Phi (ASF) ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.

Theo ông Đoán, giá heo hơi dao động trong khoảng 70.000 đồng/kg thì mức giá hợp lý cho người chăn nuôi, hài hòa lợi nhuận. Những nhà chăn nuôi chuyên nghiệp thì không mong muốn có giá cao đột biến, họ cần giá ổn định.

Giá heo hơi giảm sâu, hộ chăn nuôi có bỏ cuộc chơi? - Ảnh 2.

Giá thức ăn chăn nuôi được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới (Ảnh: itrading)

"Từ nay đến tháng 9, giá thức ăn chăn nuôi có thể tiếp tục tăng do COVID-19 và cước vận chuyển cao, sẽ rất khó để trở về giá cũ.

Theo đó, giá gia súc, gia cầm sẽ thiết lập mặt bằng mới khi giá thức ăn tăng", ông Đoán dự báo.

Trước tình hình người chăn nuôi bán giá thấp trong khi giá thức ăn liên tục tăng cao, ông Đoán kiến nghị Chính Phủ, Bộ Công Thương vào cuộc bình ổn giá heo hơi, cân bằng lợi nhuận các khâu sản xuất – phân phối – tiêu dùng, không vì chỉ số CPI mà khiến người nông dân vất vả ngày đêm chịu thiệt.

Sẽ không thiếu hụt nguồn cung

5 tháng đầu năm ghi nhận giá heo hơi giảm mạnh, nhập khẩu thịt heo tăng. Nhiều giải thiết đặt ra rằng, nếu thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá heo hơi tiếp tục giảm mạnh có ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo trong nước.

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, lũy kế 4 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 51 nghìn tấn, trị giá 116,5 triệu USD, tăng 118% về lượng và tăng 112% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Nga là thị trường cung cấp thịt heo lớn nhất cho Việt Nam, đạt 22 nghìn tấn, trị giá 60 triệu USD, tăng 708% về lượng và tăng 369% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Đoán cho biết: "Sau 1,5 năm, dịch tả Châu Phi đẩy giá heo lên cao, kích thích người chăn nuôi tái đàn thì tổng đàn heo được duy trì ở mức ổn định, tương đối đáp ứng được nhu cầu của thị trường, chuyện thiếu hụt nguồn cung khó có thể xảy ra".

Dịch tả heo châu Phi trở lại và ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi một số địa phương. Các ổ dịch tái phát lần này chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện và không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học.

Theo ông Đoán giá cả trong chăn nuôi biến động là chuyện bình thường. Điều quan trọng nhất là không để xảy ra dịch bệnh. Các hộ cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo dinh dưỡng, trích ngừa đầy đủ các loại vắc xin… thì người chăn nuôi sẽ thắng.

Tin vui cho người nuôi heo, đầu quý III sẽ có vắc xin dịch tả châu Phi, kỳ vọng dịch bệnh ở người và động vật đều sẽ ổn định và người nuôi có lãi.

Phạm Mơ