|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giá hạt nhựa PVC cao kỷ lục, áp lực giảm biên lợi nhuận đè nặng lên Nhựa Bình Minh

08:29 | 26/03/2021
Chia sẻ
Giá PVC lên cao kỷ lục giữa tháng 3 nhưng các nhà sản xuất ống nhựa tại Việt Nam lại đang gặp khó khăn trong việc nâng giá bán. Giá bán nhiều khả năng dù tăng nhưng sẽ chỉ bù đắp một phần nhỏ ảnh hưởng của giá đầu vào trong khi phần lớn tác động sẽ ăn mòn lợi nhuận của các nhà sản xuất, trong đó có Nhựa Bình Minh.

Giá hạt nhựa PVC đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3, chạm 1.400 USD/tấn

Báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết giá PVC đã vượt mức cao lịch sử (1.216 USD vào tháng 2/2018) để đạt 1.400 USD/tấn vào giữa tháng 3. 

Sản phẩm hóa dầu này đã có mức tăng 26% kể từ đầu năm, trong khi giá dầu hiện tại đang cao hơn 19% so với đầu năm. Nguyên nhân chính được cho là kết quả của sự gián đoạn nguồn cung trên toàn cầu do đại dịch và tình trạng thiếu điện ở Mỹ khiến các nhà máy lọc dầu ngừng sản xuất.

Giá PVC đã giảm sau khi đạt mức cao lịch sử 1.200 USD vào đầu năm, sau đó tăng mạnh trở lại, vượt mức kỷ lục.

Giá hạt nhựa PVC cao kỷ lục, áp lực giảm biên lợi nhuận đè nặng lên Nhựa Bình Minh  - Ảnh 1.

Một điểm đáng chú ý được VDSC nêu là giá PVC hiện tương đương với giá HDPE. Điều này chưa từng xảy ra trước tháng 12/2020. 

Trên thực tế, ống nhựa HDPE có mức giá cao hơn ống PVC do ống HDPE cao cấp hơn, chủ yếu được sử dụng trong các công trình thương mại. VDSC cho rằng việc bột nhựa PVC tăng chạm ngưỡng giá bột nhựa HDPE khiến các doanh nghiệp sản xuất ống nhựa PVC đang gặp khó khăn về tỷ suất lợi nhuận.

Giá hạt nhựa PVC cao kỷ lục, áp lực giảm biên lợi nhuận đè nặng lên Nhựa Bình Minh  - Ảnh 2.

Các nhà sản xuất ống nhựa tiếp tục phải chịu giảm biên lợi nhuận

Giá bán lẻ ống nhựa tại Việt Nam đã đứng yên trong nhiều năm do cạnh tranh nên VDSC cho rằng tăng giá hạt nhựa gần đây chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các nhà sản xuất, bao gồm cả CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP). 

Hiện tại đã vào cuối quý, đã có dữ liệu về giá thị trường để ước lượng giá vốn trong quý I, VDSC đánh giá sơ bộ biên gộp của BMP tiếp tục gặp sức ép do giá nguyên liệu trung bình trong quý cao hơn quý trước. 

Số ngày tồn kho tại kho của công ty đạt trung bình 45 trong bốn quý vừa qua, do đó, VDSC giả định về giá vốn có độ trễ khoảng 40 ngày. 

Trong kịch bản cơ sở, VDSC giả định BMP thực hiện năm lần mua hàng, mỗi lần cách nhau khoảng ba tuần từ 20/11/2020 đến 20/2/2021. 

Trong kịch bản tiêu cực nhất, VDSC giả định công ty tích lũy bột nhựa trong khoảng giá dao động từ 1.167 USD đến 1.313 USD/tấn. 

Trong kịch bản lạc quan nhất, BMP có thể đã đoán trước được sự phục hồi và mua phần lớn nguyên liệu đầu vào trước tháng 2. 

Giá mua đầu vào của BMP cho ba kịch bản tiêu cực, cơ sở và tích cực lần lượt cao hơn 19%, 14% và 10% theo quý.

Giá hạt nhựa PVC cao kỷ lục, áp lực giảm biên lợi nhuận đè nặng lên Nhựa Bình Minh  - Ảnh 3.

VDSC cho rằng ở bất kể kịch bản nào giá đầu vào cũng tăng mạnh, do đó, trừ khi giá bán có thể được điều chỉnh tăng tương ứng, tác động đến lợi nhuận của các nhà sản xuất sẽ rất lớn. 

Theo ước tính, kịch bản cơ sở mang lại tỷ suất lợi nhuận gộp 18,7% cho quý I của BMP (giảm 3,7 điểm % so với quý trước) và lãi sau thuế khoảng 79 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng của kịch bản xấu nhất là 37 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận gộp 14,9%) và kịch bản tích cực là 86 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận gộp 19,3%).

Như đã đề cập ở trên, giá hạt nhựa PVC đã vượt đỉnh lịch sử. Các nhà sản xuất tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc nâng giá bán. 

VDSC cho rằng thị trường ống nhựa hiện vẫn đang dư cung nên giá bán nhiều khả năng dù được điều chỉnh tăng nhưng sẽ chỉ bù đắp một phần nhỏ ảnh hưởng của giá đầu vào trong khi phần lớn tác động sẽ ăn mòn lợi nhuận của các nhà sản xuất. 

Họ đã được hưởng lợi lớn trong năm 2020 khi giá PVC giảm mạnh trong làn sóng COVID-19 đầu tiên trong khi giá bán không thay đổi, và khả năng cao sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá đầu vào phục hồi và tăng mạnh. 

Có thể thấy, giá đầu vào bình quân trong quý II/2021 thậm chí sẽ cao hơn quý I. Xem xét chính sách hàng tồn kho hiện tại của BMP,  VDSC dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp quý II sẽ tiếp tục chịu áp lực mạnh hơn trừ khi giá bán trung bình có thể tăng tương ứng.

Hoàng Kiều