Giá gas hôm nay 3/6: Tiếp tục leo dốc gần 1% vào đầu phiên
Xem thêm: Giá gas hôm nay 5/6
Giá gas thế giới hôm nay
Giá gas hôm nay (3/6) tăng 0,88% lên mức 2,17 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 7/2023 vào lúc 9h15 (giờ Việt Nam).
Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 trong bối cảnh dự trữ tăng và nhu cầu thấp hơn, The National News đưa tin.
Theo ông Masanori Odaka, Nhà phân tích cấp cao của Rystad Energy: “Nhu cầu khí đốt toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp hơn kỳ vọng do nhu cầu công nghiệp ở Liên minh châu Âu (EU) vẫn khó quay trở lại”.
Ông Odaka cho biết: “Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng nửa cuối năm 2023 sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu do thời tiết ở châu Âu và châu Á”.
Nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng ngày càng tăng từ Mỹ và các nước vùng Vịnh đã giúp châu lục này thay thế nguồn cung của Nga. Dự trữ khí đốt của châu Âu đã đầy khoảng 67%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 50% trong 5 năm qua, theo Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu.
Dự trữ khí đốt ở Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, hiện ở mức 73%.
Châu Âu đã vượt qua mùa Đông ôn hòa (2022 - 2023) mà không gặp khủng hoảng năng lượng do ít phải đối mặt với sự cạnh tranh đối với hàng hóa LNG từ châu Á, nơi tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm bởi các biện pháp nghiêm ngặt về COVID-19 và hạn chế đi lại.
Rystad Energy cho biết, khoảng cách giữa giá khí đốt tự nhiên châu Âu và châu Á đã “mở rộng” trong thời gian gần đây. Nhìn chung, nguy cơ nhu cầu mạnh trong mùa hè này sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường LNG toàn cầu.
Một số thương nhân lo lắng về giá giảm do nhu cầu hạ nguồn hạn chế, nhưng mùa Hè nóng hơn bình thường có thể thúc đẩy việc sử dụng khí đốt để làm mát, đặc biệt là ở châu Á.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thương mại LNG toàn cầu đạt mức cao 450 tỷ USD vào năm 2022 khi châu Âu tranh giành để đảm bảo nguồn cung cấp thay thế khí đốt của Nga.
Mặc dù nhu cầu tăng, nguồn cung LNG chỉ tăng 5,5% trong năm ngoái, chủ yếu là do bảo trì tại các kho cảng xuất khẩu lớn và do nhà máy có trụ sở tại Texas của Freeport LNG – một trong những trung tâm xuất khẩu nhiên liệu siêu lạnh lớn nhất thế giới – đã ngừng hoạt động sau một vụ hỏa hoạn vào tháng 6/2022.
Qatar, Nhà xuất khẩu nhiên liệu siêu lạnh lớn nhất thế giới, đang “đi đúng hướng” để nâng công suất sản xuất LNG lên 126 triệu tấn/năm vào năm 2027 trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu tăng cao, theo Bộ trưởng Năng lượng Saad Al Kaabi, cho biết.
Ông Al Kaabi cho biết trong một sự kiện hồi đầu tháng này, quốc gia vùng Vịnh đã ký hợp đồng LNG 27 năm với Trung Quốc vào tháng 11, và đang “bận rộn” đàm phán với những người mua tiềm năng.
Ông cũng cho biết điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến với châu Âu, vì mùa Đông ấm áp bất thường đã dẫn đến nhu cầu điện thấp hơn.
Giá gas trong nước
Chiều 31/5, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ 7h30 ngày mai (1/6), giá gas của công ty sẽ giảm 35.500 đồng/bình 12kg và 148.000 đồng/bình 50kg.
Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 403.000 đồng/bình 12kg và 1.678. 000 đồng/bình 50kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần kinh doanh gas LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng cho biết, từ ngày 1/6 giá gas giảm 35.000 đồng/bình 12kg và 131.250 đồng/bình 45kg.
Vì vậy, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 384.912 đồng/bình 12kg và 1.443.000 đồng/bình 45kg.
Theo các công ty gas, do giá gas thế giới tháng 6 chốt 445 USD/tấn, giảm 110 USD/tấn so với tháng trước nên các công ty điều chỉnh giảm theo.
Ông Lê Quang Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương, cho biết, mức giá giảm này đúng như dự báo.
Sau khi giá giảm đến 58.000 đồng/kg hồi tháng 4, đây là tháng thứ hai giá gas tiếp tục giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay giá gas có 4 tháng giảm với tổng mức 123.000 đồng/bình 12kg.