|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gas hôm nay 16/2: Tiếp đà giảm nhẹ dưới 0,1%

10:01 | 16/02/2023
Chia sẻ
Giá gas hôm nay (16/2) tiếp tục giảm nhẹ, ghi nhận mức điều chỉnh không quá 0,1% trong phiên sáng nay. Tại châu Âu, hợp đồng kỳ hạn khí đốt tự nhiên cho thấy giá cao hơn trong thời gian còn lại của năm 2023, vì khu vực này sẽ sớm phải bắt đầu lấp đầy kho dự trữ cho mùa Đông 2023 - 2024.

Giá gas thế giới hôm nay

Xem thêm: Giá gas hôm nay 17/2

Giá gas hôm nay (16/2) giảm 0,04% xuống 2,46 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 3/2023 vào lúc 9h55 (giờ Việt Nam).

Tiếp đà giảm nhẹ dưới 0,1%. (Ảnh: Lạc Yên)

Hợp đồng kỳ hạn khí đốt tự nhiên của châu Âu cho thấy giá cao hơn trong thời gian còn lại của năm 2023, vì châu Âu sẽ sớm phải bắt đầu lấp đầy kho dự trữ cho mùa Đông 2023 - 2024.

Theo đó, giá khí đốt từ sàn TTF, tiêu chuẩn của châu Âu, đã giảm vào thứ Hai (13/2) xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021 và châu Âu có vẻ tự tin rằng sẽ không xảy ra tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông này.  

Tuy nhiên, cuộc đua đảm bảo nguồn cung cho mùa Đông sắp tới thậm chí còn chưa bắt đầu một cách nghiêm túc. Giá được thiết lập để giữ ở mức cao hơn so với trước khi Nga xung đột với Ukraine trong suốt mùa Hè vì châu Âu sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ châu Á về nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). 

Năm ngoái, châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, đã chứng kiến ​​nhu cầu suy yếu trong bối cảnh giá giao ngay cao và nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu về khí đốt và LNG sẽ tăng trở lại, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa châu Á và châu Âu về nguồn cung giao ngay, các nhà phân tích cho biết.

Hơn nữa, thời tiết ở châu Âu ôn hòa hơn thường lệ trong thời gian dài cho đến mùa Đông này, cho phép tiêu thụ ít khí đốt hơn để sưởi ấm và phát điện. Không có gì chắc chắn rằng, châu Âu và bán cầu Bắc nói chung cũng sẽ có nhiệt độ ôn hòa vào mùa Đông tới.

Các chính phủ và cơ quan quản lý ở Liên minh châu Âu (EU) nói rằng, trong khi cuộc khủng hoảng thiếu hụt khí đốt lớn đã được ngăn chặn trong mùa Đông này, thì mùa Đông tới có thể khó khăn hơn.

Châu Âu tiếp tục bổ sung công suất nhập khẩu LNG mới, đặc biệt là ở Đức và Hà Lan, nhưng nếu nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn và giá sẽ tăng trở lại.

Giá khí đốt của châu Âu đã tăng khoảng 3% ở mức 58 USD/MWh (tương đương 54 EUR/MWh) vào khoảng giữa trưa ở Amsterdam hôm thứ Tư (14/2).

Giá đã giữ ở mức 53 - 64 USD/MWh (tương đương 50 - 60 EUR/MWh) trong nhiều tuần do lượng khí tồn kho cao hơn so với theo mùa, thời tiết ôn hòa và dòng LNG ổn định, Oilprice.com đưa tin.

Giá gas trong nước

Chiều 31/1, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ 7h30 ngày 1/2 giá gas của công ty sẽ tăng 63.000 đồng/bình 12kg và 262.500 đồng/bình 50kg.

Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 510.500 đồng/bình 12kg và 2.127.000 đồng/bình 50kg.

Tương tự, Công ty Saigon Petro thông báo từ ngày 1/2 giá gas của hãng này tăng 62.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng 477.000 đồng/bình 12kg.

Trong khi đó, Petrolimex Gas Sài Gòn cũng thông báo tăng 63.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ đến người tiêu dùng khu vực TP HCM là 486.000 đồng/bình 12kg.

Theo các công ty gas, do giá gas thế giới tháng 2 chốt 790 USD/tấn, tăng 192,5 USD/tấn so với tháng trước nên các công ty điều chỉnh tăng tương ứng.

Bên cạnh đó, ông Lê Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương, cho biết, Trung Quốc đã mở cửa sau thời gian chống dịch nên nhu cầu từ thị trường này tăng cao.

Song song đó, do xung đột giữa các nước lớn trên thế giới đã tác động đẩy giá gas thế giới tăng. Vì vậy, giá gas tháng 2 năm nay tăng cao là khác thường so với mọi năm.

Theo ông Tuấn, trong 10 ngày đầu tháng 1 giá gas thế giới dự báo giảm nhưng từ ngày 25/1 giá gas thế giới tăng tương đương 48.000 đồng/bình 12kg và sau đó tiếp tục tăng không có điểm dừng.

Trước tình hình giá gas thế giới đột ngột tăng, một số tổng đại lý khó lấy hàng thêm vì đầu mối chỉ cấp đúng số lượng theo hợp đồng.

Lạc Yên