Giá gas hôm nay 12/10: Giảm nhẹ trở lại chỉ sau một ngày tăng
Xem thêm: Giá gas hôm nay 13/10: Tiếp tục giảm nhẹ
Giá gas thế giới hôm nay
Giá gas hôm nay (12/10) giảm 0,15% xuống mức 3,38 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2023 vào lúc 9h35 (giờ Việt Nam).
Theo The New York Times, giá khí đốt tự nhiên đã tăng vọt trong tuần này tại châu Âu do lo ngại về nguồn cung xuất phát từ xung đột ở Israel và Ukraine. Theo đó, giá các hợp đồng khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu đã tăng hơn 20% kể từ cuối tuần trước.
Trong mối lo ngại mới nhất, Phần Lan hôm thứ Ba (10/10) cho biết, một đường ống nối nước này với Estonia đã bị hư hại, có thể do bị phá hoại. Điều này càng làm tăng thêm sự lo lắng trên thị trường một ngày sau khi chính phủ Israel ra lệnh cho Chevron đóng cửa Tamar, một trong hai giàn sản xuất khí đốt lớn mà gã khổng lồ năng lượng Mỹ vận hành ngoài khơi bờ biển Israel. Và Israel cũng gián tiếp xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua Ai Cập.
Các cơ sở lưu trữ khí đốt ở châu Âu gần như đã lấp đầy công suất, giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt ngay lập tức và giá vẫn rẻ hơn nhiều so với một năm trước trong bối cảnh Nga đóng cửa hầu hết các chuyến hàng qua đường ống tới châu Âu.
Nhưng các sự cố này nhấn mạnh rằng, châu Âu, nơi phần lớn đã bị ngắt kết nối với nguồn cung cấp khí đốt của Nga, vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu và có thể chứng kiến giá cao hơn trong trường hợp mùa Đông lạnh hơn mức trung bình hoặc những gián đoạn bất ngờ khác.
Hôm thứ Ba, chính phủ Phần Lan nêu lên lo ngại rằng hành vi phá hoại có thể liên quan đến vụ rò rỉ được phát hiện dọc theo đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi. Trước đó, hôm Chủ Nhật (8/10), Gasgrid, Nhà điều hành truyền tải Phần Lan, đã đóng cửa đường dây được gọi là Balticconnector sau khi phát hiện rò rỉ.
Trong tuyên bố của mình, chính phủ Phần Lan cho biết, vụ rò rỉ “không phải do quá trình truyền khí thông thường gây ra”. Chính phủ ước tính việc sửa chữa sẽ cần vài tháng. Thiệt hại cũng được phát hiện trên đường truyền viễn thông giữa hai nước.
Thiệt hại đối với đường ống gợi nhớ đến sự phá hủy các đường ống Nord Stream nối Nga với Đức một năm trước, mặc dù Balticconnector là một phần cơ sở hạ tầng nhỏ hơn và ít quan trọng hơn về mặt chiến lược. Vào tháng 3, tờ New York Times đưa tin các quan chức Mỹ cho biết thông tin tình báo cho thấy, một nhóm thân Ukraine đứng đằng sau vụ tấn công vào Dòng chảy Nord Stream.
Phần Lan gần đây đã gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và việc cố ý gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quan trọng như đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở vùng biển Phần Lan sẽ là vấn đề khiến liên minh lo ngại.
Ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, cho biết: “Nếu nó được chứng minh là một hành động có chủ ý nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của NATO thì điều này tất nhiên sẽ nghiêm trọng nhưng nó cũng sẽ vấp phải phản ứng thống nhất và quyết tâm từ NATO”.
Chính phủ Phần Lan cho biết nguồn cung cấp khí đốt của họ ổn định và họ có thể đảm bảo lượng khí đốt cần thiết cho mùa Đông thông qua một kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng tạm thời. Estonia có thể lấy khí đốt từ Latvia.
Tuy nhiên, ông Henning Gloystein, Giám đốc của Eurasia Group, cho biết: “Việc mất tuyến Balticconnector khiến cả hai nước có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt trong mùa Đông nếu xảy ra sự cố trên các tuyến nhập khẩu khác.
Đồng thời, việc ngừng cung cấp khí đốt từ Tamar, mỏ ngoài khơi của Israel, đặt ra câu hỏi về việc Ai Cập sẽ có bao nhiêu khí đốt để xuất khẩu dưới dạng khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu và các nơi khác. Chevron và chính phủ Israel có thể sẽ ưu ái các khách hàng nội địa của Israel, có khả năng hạn chế lượng khí đốt có sẵn để Ai Cập xuất khẩu. Ai Cập cũng có thể chọn ưu tiên khách hàng nội địa hơn xuất khẩu.
Giá gas trong nước
Chiều 30/9, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ 7h30 ngày 1/10, giá gas của công ty sẽ tăng thêm 20.000 đồng/bình 12kg và 83.000 đồng/bình 50kg.
Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 464.000 đồng/bình 12kg và 1.931.500 đồng/bình 50kg.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) cũng thông báo từ ngày 1/10 tăng 20.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng 426.500 đồng/bình 12kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần kinh doanh gas LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng thông báo, từ ngày 1/10 giá bán PetroVietNam Gas tăng 20.000 đồng/bình 12kg và 75.000 đồng/bình 45kg.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) cũng thông báo từ ngày 1/10 tăng 20.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng 426.500 đồng/bình 12kg.
Theo các công ty, do giá gas thế giới tháng 10 chốt 607,5 USD/tấn, tăng 52,5 USD/tấn so với tháng trước nên các công ty điều chỉnh tăng theo.
Đây là tháng thứ ba liên tiếp giá gas tăng cao. Từ đầu năm đến nay đây là tháng thứ 5 giá gas tăng với tổng mức 144.000 đồng/bình 12kg.