|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gạo ở Thái Bình tăng 40 – 50%

15:21 | 06/11/2017
Chia sẻ
Một dòng lúa gạo lớn ở khu vực miền Trung và miền Nam đang chuyển dịch ra phía Bắc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cư dân ĐBSH.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Cty TNHH Vật tư nông nghiệp Khang Long (Thái Bình) chia sẻ: Vụ mùa vừa rồi, công ty chúng tôi cung ứng giống, vật tư nông nghiệp cho rất nhiều hộ trồng lúa ở Thái Bình và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng đến cuối vụ, ở nhiều địa phương, công ty không thể thu về một hạt thóc nào. Nếu có thóc thì chất lượng cũng rất thấp, khi xát tỷ lệ gẫy rất cao do bị ngập nước, mọc mầm.

gia gao o thai binh tang 40 50
Chất lượng thóc ở Thái Bình vụ mùa 2017 rất kém do nhiều diện tích bị mưa, ngập, nẩy mầm ngay trên bông

Bản thân Cty Khang Long cũng trực tiếp sản xuất 40ha lúa chất lượng cao tại thôn 3, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương nhưng gần như không có sản lượng. Trung bình mỗi tháng, xưởng xay xát của Cty cung cấp ra thị trường khoảng 600 tấn gạo, thế nhưng gần một tháng nay, Cty không thể nhập được thóc, máy móc, nhân công thường xuyên ngồi chơi xơi nước.

Ông Hưng khẳng định: Nông dân Thái Bình không có thóc để bán cho đại lý. Nhiều nhà máy xay xát gạo lớn nhất tỉnh cũng phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng vì kho gần như rỗng. Cùng kỳ năm ngoái, giá thóc khô BC15 chỉ khoảng 6.500 đồng/kg nhưng năm nay mua 8.500 đồng/kg mà dân vẫn không bán. Từ tháng 9/2017 trở về trước, giá 1kg thóc khô Bắc thơm số 7 chỉ khoảng 7.500 – 7.900 đồng/kg, nhưng nay đã lên 10.500 đồng mà không thể nhập.

Chưa bao giờ giá lúa Khang dân cán mốc 7.000 đồng/kg. Nhiều địa phương ở miền Bắc mất mùa khủng khiếp. Ngay từ giai đoạn thu hoạch lúa mùa, Cty đã điều động tổng lực phương tiện vào Thanh Hoá, Hà Nam, Nam Định, để mua thóc, tuy nhiên lượng lúa hàng hóa rất khan hiếm, phải đi xe không về.

Một dòng lúa gạo lớn ở khu vực miền Trung và miền Nam đang chuyển dịch ra phía Bắc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cư dân ĐBSH.

gia gao o thai binh tang 40 50
Giá gạo ở Thái Bình tăng phi mã

Ông Nguyễn Văn Luân, chủ đại lý gạo Luân Hường ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình (chuyên cung cấp hàng cho các tỉnh phía Bắc), phân trần: Do tác động của mất mùa ở nhiều địa phương miền Bắc khiến sản lượng lúa gạo giảm, khan hàng nên giá bị đẩy lên cao quá. Một tháng tôi đi tầm 1.000 tấn hàng, chủ yếu là gạo Bắc thơm 7 và BC15. Từ trước hôm bão số 10 ập vào, giá gạo ở thị trường miền Bắc tăng lên khoảng 40 – 50%, còn ở thị trường miền Trung và miền Nam, giá gạo nhích lên khoảng 20 – 30%.

“Trước đây, 90% gạo của chúng tôi nhập từ khu vực phía Bắc, 10% nhập từ miền Trung. Nhưng hiện tại, tỷ lệ này bị đảo ngược lại”, ông Luân nói.

“Tôi chắc chắn, trong thời gian tới, giá gạo vẫn tiếp tục tăng cao, thậm chí tăng kịch trần. Bởi năm nay ở khu vực phía Nam, lũ kết thúc muộn hơn, chỉ có lác đác một vài diện tích nhỏ được xuống giống. Dự kiến đến tháng 3/2018, nguồn cung lúa gạo mới dồi dào trở lại. Trong khi đó, thị trường gạo miền Bắc đang phụ thuộc hoàn toàn vào miền Nam”, ông Phạm Ngọc Hưng.

Đồng Thái