Giá gạo Ấn Độ giảm do cung tăng, gạo Thái Lan, Việt Nam chững giá
Cụ thể tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá gạo đồ 5% tấm giảm 2 USD trong tuần này, xuống giao dịch ở 341 – 345 USD/tấn.
Kể từ tháng 12/2016 khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiền mặt, người dân Ấn Độ đã hạn chế bán dự trữ gạo của vụ lúa hè trước đó. Hơn nữa, việc rupee liên tục giảm giá trong thời gian gần đây cũng khiến người dân e ngại bán gạo vì lợi nhuận thấp.
Trước đó vào tháng 11/2016, chính phủ Ấn Độ quyết định ngừng lưu thông hai đồng tiền mệnh giá 500 rupee và 1000 rupee để đàn áp tệ nạn tham nhũng. Hoạt động giao dịch hàng hóa nông sản, như bông, gạo và đậu nành, tại Ấn Độ theo đó gặp gián đoạn lớn, bởi người dân vẫn muốn sử dụng tiền mặt để thanh toán.
Xét về nguồn cung gạo, Bộ Nông nghiệp Ấn Độ ước tính, sản lượng gạo vụ lúa hè trong niên vụ kết thúc vào tháng 6/2017 của Ấn Độ sẽ tăng 2,81% so với cùng kỳ năm ngoái lên kỷ lục 93,88 triệu tấn, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi.
Theo nhận định của một công ty xuất khẩu Ấn Độ, mặc dù nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới đang cải thiện nhưng vẫn không đủ để giải phóng hết nguồn cung đang tăng mạnh ở Ấn Độ. Trong giai đoạn tháng 4 – tháng 10/2016, Ấn Độ đã xuất khẩu 3,79 triệu tấn gạo, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó tại Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, giá FOB gạo 5% tấm chững lại ở 355 – 360 USD/tấn so với tuần trước.
“Mở đầu năm 2017, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan không đổi so với cuối năm ngoái do thị trường không có thêm đơn hàng mới trong kỳ nghỉ lễ dài vừa qua. Nếu có người mua, giá gạo chắc chắn sẽ tăng do sản lượng gạo của Thái Lan đang cạn dần,” ông Kiattisak Kallayasirivat – giám đốc công ty Ascend Commodities-SA nói.
Tương tự tại Việt Nam, giá FOB gạo 5% cũng ổn định ở 335 – 345 USD/tấn so với tuần trước, do lực mua suy yếu trong thời điểm nghỉ Tết Dương. Một thương lái Việt Nam cho biết, Việt Nam có thể sẽ không rao bán đơn hàng mới cho tới tuần sau.
Theo số liệu ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2016 giảm 25,8% so với năm trước đó, xuống còn 4,88 triệu tấn.