Giá đồng lao dốc và nguy cơ kinh tế thế giới sớm rơi vào suy thoái
Theo CNBC, trong thời gian gần đây, giá đồng đang lao dốc giữa bối cảnh lo ngại về tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 đang ngày càng leo thang.
Đồng được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế - từ xây dựng cho đến sản xuất xe cộ và đồ gia dụng. Do đó, giá đồng được coi là "phong vũ biểu" của nền kinh tế toàn cầu và các nhà phân tích sẽ quan sát biến động giá của kim loại này để đánh giá triển vọng nền kinh tế trong tương lai.
Hôm 19/3, giá đồng giảm xuống mức thấp kỉ lục kể từ tháng 1/2016. Giá đồng giao sau ba tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) rơi xuống còn 4.371 USD/ tấn. Giá đồng giảm mạnh so với mức giá cao nhất giữa tháng 1 năm nay.
Giá đồng sụt giảm giữa lúc số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới gia tăng nhanh chóng.
Đại dịch này đã khiến hoạt động kinh doanh trên toàn cầu bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp và nhà máy trên khắp thế giới phải đóng cửa, người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài đường. Niềm tin vào hoạt động kinh tế bị xói mòn khiến cho cả thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa lao dốc.
Dưới đây là hai biểu đồ cho thấy giá đồng có thể tiếp tục giảm sâu hơn nữa.
Tỉ số giá đồng/ giá vàng được tính bằng giá một ounce đồng chia cho giá một ounce vàng. Tỉ số này được coi như "chỉ báo tăng trưởng/nỗi sợ" vì phương thức khai thác và cơ cấu chi phí sản xuất vàng và đồng đều tương tự nhau.
Ông Max Layton, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa khu vực EMEA (Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi) tại Citibank giải thích rằng các nhà sản xuất đồng thường ăn nên làm ra khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt.
Ngược lại, các nhà sản xuất vàng thu được nhiều lợi nhuận trong giai đoạn có nhiều lo ngại về nền kinh tế, ví dụ như thời kì hậu suy thoái.
Ông Layton nói với CNBC: "Tỉ số giá đồng/giá vàng giảm khi kinh tế tăng trưởng thấp và mức độ sợ hãi cao, tỉ số này tăng khi tăng trưởng mạnh và mức độ sợ hãi thấp".
Biểu đồ trên biểu diễn tỉ lệ giá đồng/giá vàng cùng với lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kì hạn 10 năm. Giống như vàng, trái phiếu chính phủ thường được coi là khoản đầu tư an toàn. Do đó, giá trái phiếu chính phủ có xu hướng tăng trong thời kì kinh tế biến động, còn lợi suất thường giảm (giá và lợi suất trái phiếu biến động ngược chiều).
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã rút tiền khỏi thị trường cổ phiếu, tăng cường mua vào trái phiếu. Xu hướng này đã đẩy lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kì hạn 10 năm xuống mức kỉ lục 0,318%, tuy nhiên sau đó đã hồi phục một phần. Đến sáng 19/3, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kì hạn 10 năm là 1,2311%.
Nhà nghiên cứu Layto của Citibank cho biết mối quan hệ giữa lợi suất trái phiếu chính phủ và tỉ số giá đồng/giá vàng "thường biến động cùng chiều nhau trong quá khứ".
Ông cho biết thêm việc lợi suất trái phiếu Kho bạc giảm mạnh hơn tỉ số giá đồng/giá trái phiếu "ám chỉ rằng nỗi sợ hãi được định giá trong thị trường trái phiếu lớn hơn nỗi sợ hãi được định giá trong thị trường đồng và vàng".
Citibank đã hạ dự báo giá đồng ở khoảng 5.000 USD/tấn trong ba tháng tiếp theo.
Giá dầu cũng liên tục sụt giảm trong những tuần vừa qua do tâm lí e ngại về tác động kinh tế của COVID-19 khiến nhu cầu sụt giảm, trong khi cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia khiến cả hai đều chuẩn bị tăng sản lượng khai thác.
Biểu đồ này cho thấy mối tương quan rõ rệt giữa giá dầu WTI và giá đồng trong quá khứ.
Ông Layton chỉ ra hai lí do giải thích mối quan hệ gắn kết này: Thứ nhất, nhu cầu dành cho dầu và đồng đều gắn với tăng trưởng và hoạt động kinh tế. Thứ hai, giá dầu ảnh hưởng đến lợi nhuận biên của các nhà sản xuất đồng, vì dầu được sử dụng trong suốt quá trình khai thác đồng.
Việc giá dầu lao dốc trong thời gian gần đây báo hiệu rằng giá kim loại đồng sẽ tiếp tục đi xuống.
Ông Layton nói: "Dần dần, giá dầu thấp sẽ giúp giảm chi phí của các nhà sản xuất đồng. Điều này lại càng tăng thêm áp lực hạ giá đồng".
"Chi phí sản xuất thấp hơn đồng nghĩa với biên lợi nhuận của nhà sản xuất tăng nếu giá bán vẫn giữ nguyên. Nhưng các nhà sản xuất không có lí do chính đáng nào để được hưởng biên lợi nhuận cao hơn… Nên giá đồng sẽ giảm tương ứng với chi phí biên thấp".
Citibank không phải ngân hàng duy nhất dự báo giá đồng sẽ tiếp tục giảm.
Hôm 17/3, Goldman Sachs đã hạ thấp đáng kể dự báo giá đồng giao sau ba tháng từ 5.900 USD/tấn xuống còn 4.900 USD/tấn.
Các nhà phân tích tại ngân hàng này viết trong một lưu ý rằng dù thị trường tài chính có nhiều khả năng sẽ phục hồi khi COVID-19 được kiểm soát, nhưng "các tài sản trong thị trường hàng hóa thường được bán theo giá giao ngay, nên phải tiêu thụ được hết lượng hàng dư thừa trong hôm nay do chênh lệch cung cầu" mới có thể tăng giá.
"Bác sĩ Đồng" bắt mạch nền kinh tế?
Do đồng được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng và chế tạo sản phẩm tiêu dùng, nên nếu chi tiêu giảm và các dự án xây dựng bị hoãn lại vì nền kinh tế yếu đi, nhu cầu cho đồng cũng giảm. Điều này lại dẫn đến giá đồng lao dốc.
Nhà nghiên cứu Layton tại Citibank cảnh báo rằng giá đồng còn có ý nghĩa nhiều hơn thế. Giống như vàng, việc các nhà phân tích coi đồng là chỉ báo của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến biến động giá của kim loại này.
Các nhà đầu tư và quản lí quĩ đầu cơ có xu hướng mua bán đồng nhiều hơn các kim loại khác, vì đồng được coi là có mối quan hệ chặt chẽ tới tình hình vĩ mô.
Vì vậy, theo ông Layton, khi triển vọng của nền kinh tế tiêu cực, các nhà đầu tư thường nắm giữ vị thế bán khống đối với đồng. Ngược lại, khi triển vọng kinh tế tích cực, nhà đầu tư thường nắm giữ vị thế mua với đồng.
(Nắm giữ vị thế bán khống đồng có nghĩa là nhà đầu tư đi vay đồng để bán ở thời điểm hiện tại rồi mua vào để trả lại trong tương lai. Nếu giá đồng giảm, nhà đầu tư sẽ kiếm lợi vì bán cao - mua thấp).