Giá dầu hòa vốn ngót nghét 100 USD/thùng, Arab Saudi cần phải làm gì để phát triển kinh tế?
Tín hiệu cảnh báo
Arab Saudi sở hữu siêu năng lực mà mọi quốc gia đều ao ước. Đây là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất trên thế giới và chi phí sản xuất cho các dự án dầu mỏ của nước này cũng ở mức thấp nhất hành tinh. Đây là điều rất quan trọng khi xét rằng 75% nguồn thu tài khóa của Arab Saudi đến từ dầu mỏ.
Trong quá khứ, giá dầu hòa vốn tài khoá của Arab Saudi - giá bán một thùng dầu thô cần thiết để nước này cân bằng ngân sách - cũng ở mức tương đối thấp.
Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi. Sau mỗi năm, giá dầu hòa vốn của Arab Saudi lại đi lên trong bối cảnh nước này triển khai các dự án chi tiêu khổng lồ theo chương trình Vision 2030 - với mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế và đa dạng hóa nguồn thu khỏi nhiên liệu hóa thạch. Cùng với đó, thâm hụt ngân sách của Arab Saudi cũng nới rộng.
Theo ước tính mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra vào tháng 4, giá dầu hòa vốn của Arab Saudi trong năm 2024 vào khoảng 96,2 USD/thùng. Con số này cao hơn 32% so với mức giá dầu Brent được giao dịch vào sáng ngày 6/9 (theo giờ Việt Nam) là khoảng 72,7 USD/thùng.
- TIN LIÊN QUAN
-
Arab Saudi theo đuổi chiến lược 'mua cả thế giới', thành công chưa đến nhưng rủi ro đã rõ 20/08/2024 - 08:14
Bà Li-Chen Sim, học giả tại Viện Trung Đông, bình luận: “Ít nhất là đến năm 2030, Arab Saudi sẽ cần nguồn ngân sách lớn để tạo ra một số thành tựu cho chương trình Vision 2030.
Đồng thời, nước này cũng phải chuẩn bị và tổ chức các sự kiện văn hóa và thể thao lớn như World Cup 2034 và Expo 2030.
Trong khi đó, nguồn cung dầu thô từ Mỹ, Guyana, Brazil, Canada và UAE dự kiến sẽ gia tăng, còn nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng yếu. Điều này đồng nghĩa với việc giá dầu hòa vốn của Arab Saudi nhiều khả năng sẽ tăng lên tới 100 USD/thùng”.
Đó là còn chưa kể đến những khoản chi cho các dự án trong nước của quỹ đầu tư quốc gia Public Investment Fund. Nếu tính các khoản này, Bloomberg dự đoán giá dầu hòa vốn của Arab Saudi lên đến 112 USD/thùng.
Trong một báo cáo vào đầu tháng 9, Nomura Asset Management dẫn số liệu của Bloomberg cho hay: “Arab Saudi là một vương quốc giàu có, nhưng nước này cũng có những giới hạn tài khóa cần phải tuân thủ như mọi quốc gia khác”.
Báo cáo còn viết: “Các chỉ báo kinh tế quan trọng như sản lượng và giá dầu đang phát đi tín hiệu cảnh báo. Sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới trong lúc nguồn cung dầu khó đoán định có thể sẽ gây ra trở ngại cho các nền kinh tế dầu mỏ”.
Giá dầu hòa vốn quan trọng đến đâu?
Một số nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường lập luận rằng giá dầu hòa vốn tài khóa không quan trọng như nhiều người nghĩ. Arab Saudi cũng có nhiều lựa chọn để đối phó với thâm hụt ngân sách và giá dầu kém lý tưởng.
Một nhà phân tích năng lượng nói với CNBC: “Mọi quốc gia đều có thâm hụt ngân sách, do đó với tôi ý tưởng Arab Saudi cần giá dầu đạt 112 USD/thùng hay con số nào đó không có nhiều ý nghĩa thực tiễn. Arab Saudi hoàn toàn có khả năng vay nợ thêm nếu muốn, do đó việc duy trì mức thâm hụt ngân sách nhỏ không phải vấn đề to tát”.
Arab Saudi cũng có lượng dự trữ ngoại hối đáng kể khoảng 452,8 tỷ USD vào tháng 7. Nước này cũng đã phát hành thành công 12 tỷ USD nợ trong năm 2024. Nguồn thu từ dầu mỏ của Arab Saudi được dự kiến sẽ gia tăng khi các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC+ hết hạn vào năm 2025.
Vị chuyên gia năng lượng nói tiếp: “Nhìn từ góc độ đó, chúng ta có thể thấy Arab Saudi có vị thế khá tốt”.
Nợ công của Arab Saudi đã tăng từ khoảng 3% GDP trong thập niên 2010 lên 24% GDP trong hiện tại. Tuy đây là mức tăng đáng kể, tỷ lệ nợ công của Arab Saudi thực chất vẫn ở mức thấp so với thế giới. Ví dụ, tỷ lệ nợ công trung bình của các nước trong Liên minh châu Âu là 82%. Tại Mỹ, con số này là 123%.
Nợ công tương đối thấp và mức xếp hạng tín dụng cao tạo điều kiện để Arab Saudi dễ dàng vay nợ thêm nếu cần. Quốc gia này cũng đã thực hiện một loạt cải cách để thúc đẩy vốn đầu tư ngoại và đa dạng hóa nguồn thu ngân sách.
Báo cáo của Nomura viết: “Tin tốt là nền kinh tế Arab Saudi đang phát triển theo hướng đa dạng hóa, cắt giảm được nhiều khoản trợ cấp và tăng thuế VAT, đồng thời tạo ra nhiều việc làm.
Tuy Arab Saudi vẫn thiếu đầu tư trực tiếp nước ngoài, luật đầu tư mới đưa nước này tiến gần hơn đến mục tiêu mở rộng đáng kể quy mô của lĩnh vực kinh tế phi dầu mỏ”.
Tuy nhiên, chuyên gia Sim tại Viện Trung Đông nhấn mạnh Arab Saudi vẫn đối mặt với rủi ro, chủ yếu là nguy cơ nhu cầu tiêu thụ tại các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn tiếp tục ảm đạm và nguồn cung của các nước ngoài OPEC+ gia tăng. Và những rủi ro này nằm ngoài khả năng kiểm soát của Arab Saudi.
Bà chỉ ra: “Về rủi ro đầu tiên, mối nguy lớn nhất là cuộc chiến thương mại theo kiểu ăn miếng trả miếng giữa Trung Quốc và Mỹ hoặc châu Âu. Kịch bản này có thể khiến tốc độ tăng trưởng thế giới chậm lại, dẫn đến sự sụt giảm của nhu cầu dầu thô”.