Giá dầu có thể lên 80 USD/thùng vào năm 2019, doanh nghiệp dầu khí ảnh hưởng ra sao?
Theo báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), từ đầu năm 2018, giá dầu Brent tăng 46,4% và có thời điểm chạm mốc 82 USD/thùng (cao nhất 4 năm). KIS ước tính giá dầu Brent bình quân năm 2019 xoay quanh 80 USD/thùng, ảnh hưởng phần nào đến các doanh nghiệp dầu khí trong nước.
Lý do Chứng khoán KIS đưa ra là EIA (Cơ quan Quản lý Năng lượng) dự báo tồn kho nhiên liệu sẽ giảm 0,4 triệu thùng/ngày trong năm 2018, và tăng nhẹ 0,1 triệu thùng/ngày vào năm 2019.
Bên cạnh đó, thông tin Mỹ tái cấm vận Iran sẽ tác động đáng kể lên giá dầu. Lệnh cấm vận sẽ có hiệu lực vào ngày 4/11, cấm tất cả hoạt động mua bán dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Iran (nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 5 thế giới) đến Ấn Độ (khách hàng lớn thứ 2 của Iran khoảng 580.000 thùng/ngày) quyết định cắt giảm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô Iran trong tháng 11.
Những khách hàng lớn khác bao gồm Hàn Quốc và Nhật cũng đã dừng nhập khẩu (giảm 250.000 thùng/ngày).
Chứng khoán KIS đánh giá, hiện vẫn chưa rõ động thái của Trung Quốc (khách hàng lớn nhất của Iran) có tiếp tục nhập khẩu từ Iran hay không. Đến nay, xuất khẩu dầu của Iran đã giảm 800.000 thùng/ngày kể từ tháng 5, thời điểm chính quyền Trump công bố lệnh tái cấm vận.
Ngoài ra, OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) và nhóm các quốc gia đồng minh đồng ý không tăng sản lượng nhằm bù đắp sản lượng thiếu hụt từ Iran. Mỹ cũng khẳng định sẽ không xả kho dự trữ dầu thô khẩn cấp vì mục đích bình ổn giá dầu khi lệnh cấm vận được chính thức áp dụng.
Về tác động của giá dầu đối với các doanh nghiệp dầu khí niêm yết, Chứng khoán KIS nhận định, giá dầu cao và ổn định thời gian dài trong vòng 12 – 24 tháng sẽ thúc đẩy hoạt động thăm dò, khai thác của CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS). Giá dịch vụ và khối lượng công việc nhiều khả năng sẽ được cải thiện.
CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) có giá thuê giàn hồi phục, tăng 33%, chạm mốc 60.000 USD/ngày. Công ty dự kiến khoản thu nhập bất thường từ việc hồi tố 200 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2018.
PV Drilling cho biết, hiện có ba khách hàng tiềm năng có khả năng sử dụng giàn gồm Vietsovpetro, Biển Đông POC và Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí - PVEP POC. Và nếu trong trường hợp thắng thầu, giàn công ty sẽ trở lại làm việc từ cuối 2019.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX): Hưởng chênh lệch giá nhiên liệu đầu vào và giá bán (chênh lệch 15 ngày giữa nhập và xuất bán) trong môi trường giá nhiên liệu tăng.
6 tháng đầu năm, sản lượng xăng bán ra trong nước của Petrolimex tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này là nhờ ngành sản lượng công nghiệp trong nước tăng 12,1% và tình trạng nhập lậu xăng RON92 giảm bớt khi các đại lý phải phân phối xăng E5.
Ngoài ra, việc nâng cấp 250 trạm xăng sở hữu (COCO) giúp sản lượng xăng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, sản lượng bán ra thông qua kênh đại lý (DODO) tăng mạnh nhờ chính sách chiết khấu phù hợp hơn.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Mã: DPM) có giá khí đầu vào tăng, trong khi rất khó chuyển chi phí gia tăng vào giá bán dẫn đến biên lợi nhuận có thể giảm.
Điểm sáng của hai doanh nghiệp thời gian tới là việc Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) dự kiến được sửa đổi, trong đó có đề xuất phân bón chuyển từ mặt hàng không chịu thuế sang chịu thuế 5%. Điều này sẽ làm giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp phân bón trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Theo lãnh đạo Đạm Cà Mau (Mã: DCM), các công ty phân bón sẽ được khấu trừ ngay từ đầu vào và tùy thuộc nguyên vật liệu. Ước tính từ năm 2019, nếu áp dụng thuế VAT mới sẽ giúp Đạm Cà Mau giảm chi phí từ 150-200 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/9, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 trên sàn Nymex tiến 1,13 USD (tương đương 1,6%) lên 73,25 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 10/7. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn Luân Đôn tăng 1 USD (tương đương 1,2%) lên 82,72 USD/thùng. Hợp đồng này đã hết hạn vào cuối phiên ngày thứ Sáu. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12 tăng 1,35 USD (tương đương 1,7%) lên 82,73 USD/thùng. Ông Phil Flynn - Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, cho rằng đà tăng giá là do các giao dịch kỹ thuật. Ông nhận định, giá dầu dường như tìm thấy hỗ trợ từ các báo cáo rằng Trung Quốc đang giảm mua dầu từ Iran, cũng như thông tin rằng Mỹ không có kế hoạch sử dụng kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) để bù đắp sự thiếu hụt sản lượng dầu từ Iran. Nhìn chung, thị trường dầu khí đã được thúc đẩy bởi sự suy giảm kim ngạch xuất khẩu dầu thô từ Iran trước các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với nền công nghiệp dầu mỏ nước này, dự kiến có hiệu lực vào ngày 4/11. Dữ liệu từ EIA cũng cho biết sản lượng dầu thô nội địa vọt 2,5% trong tháng 7 lên 10,96 triệu thùng/ngày, và leo dốc gần 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 3 giàn trong tuần này, ghi nhận 2 tuần giảm liên tiếp. |