Giá cà phê Tây Nguyên vọt lên cao nhất một tháng rưỡi
Tại khu vực Tây Nguyên, giá thu mua cà phê trung bình đồng loạt tăng 1.200 đồng/kg, lên cao nhất là 45.400 đồng/kg ở Đắk Nông và thấp nhất là 44.900 đồng/kg ở Lâm Đồng.
Với phiên 20/12 tăng giá mạnh nhất hơn 2 tuần, giá cà phê Tây Nguyên hiện đang ở mức cao nhất kể từ ngày 8/11 - thời điểm Mỹ công bố kết quả bầu cử tổng thống. Trước đó trong ngày đầu tuần, giá cà phê Tây Nguyên giảm nhẹ vì giới thương lái loay hoay tìm động lực tăng giá khi sàn giao dịch cà phê thế giới vẫn chưa mở cửa.
Tại cảng TP Hồ Chí Minh, giá FOB cà phê cũng tăng mạnh 61 USD lên 2.058 USD/tấn với mức trừ lùi ổn định ở 100 USD và tỷ giá giữ nguyên ở 22.715 đồng.
Nguồn: giacaphe.com |
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta chốt phiên 19/12 cũng tăng mạnh 2 – 3% lên vượt ngưỡng 2.100 USD/tấn trên sàn ICE châu Âu.
Hiện tại, thị trường cà phê robusta đang trong giai đoạn điều chỉnh sau đợt trượt giá vì ảnh hưởng từ làn sóng bán tháo arabica. Tính đến ngày 19/12, giá cà phê robusta đã tăng 6 ngày liên tiếp và đang giao dịch xung quanh đỉnh giá ghi nhận được vào giữa tháng 11.
Xét về dài hạn, robusta vẫn có triển vọng tăng giá mạnh hơn arabica bởi lo ngại thiếu hụt nguồn cung tại Brazil và Việt Nam trong niên vụ tới. Theo số liệu của ICE, dự trữ robusta có thể bán đấu giá của sàn giao dịch này chỉ tăng nhẹ lên 2.361 triệu bao 60kg trong 4 tuần tính đến ngày 15/12.
Tương tự trên sàn ICE Mỹ, giá cà phê arabica cũng tăng hơn 1,2% trong cả phiên hôm qua, với giá hợp đồng giao tháng 3/2017 phục hồi về ngưỡng 144 US cent/pound.
Giá cà phê arabica có thể thoát khỏi làn sóng bán tháo hồi cuối tháng 11 – đầu tháng 12 bởi thị trường ngày càng lo ngại về nguồn cung arabica trong bối cảnh nhu cầu sử dụng loại cà phê này trong chế biến đang tăng mạnh. Theo số liệu mới nhất của sàn giao dịch ICE, dự trữ arabica chất lượng đã giảm tiếp 6.231 bao 60kg trong hai tuần tính đến ngày 16/12.
Nguồn: giacaphe.com |
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2016 – 2017 sẽ tăng 2,4% so với niên vụ trước, với vụ cà phê arabica của Brazil sẽ bù đắp cho thiếu hụt nguồn cung robusta.
Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ này đã đạt 156,6 triệu bao 60kg, cao hơn dự báo hồi tháng 6 của USDA (155,7 triệu bao) và sản lượng niên vụ trước (152,9 triệu bao).
Cũng theo USDA, tiêu thụ cà phê trong niên vụ được dự báo sẽ đạt kỷ lục 153,3 triệu bao, kéo tồn kho cuối vụ xuống thấp nhất 5 năm, chủ yếu là ở các nước sản xuất cà phê lớn. “Xuất khẩu cà phê toàn cầu dự báo giảm so với niên vụ trước chủ yếu do nguồn cung tại Việt Nam, Indonesia và Brazil sụt giảm,” USDA nhận định.
USDA ước tính, sản lượng cà phê Brazil trong niên vụ hiện tại sẽ đạt 56,1 triệu bao, với 45,6 triệu bao arabica và 10,5 triệu bao robusta.
Đối với Việt Nam, sản lượng cà phê ước giảm xuống còn 26,7 triệu bao trong niên vụ 2016 – 2017 do tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài từ đầu năm 2016 đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng.
Đối với Colombia, sản lượng cà phê cùng niên vụ ước tăng lên 14,5 triệu bao nhờ chương trình tái canh cây cà phê và thời tiết thuận lợi.