|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê hôm nay 27/1: Duy trì đà tăng tại thị trường trong nước

06:42 | 27/01/2024
Chia sẻ
Giá cà phê hôm nay (27/1) tại thị trường trong nước tăng khoảng 1.000 - 1.100 đồng/kg. Theo khảo sát, tỉnh Lâm Đồng đang có mức giá thấp nhất hiện tại là 76.000 đồng/kg.

Cập nhật giá cà phê trong nước

Xem thêm: Giá cà phê hôm nay 28/1

Theo khảo sát vào lúc 6h40, giá cà phê hôm nay tăng cao nhất 1.100 đồng/kg.

Theo đó, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 76.000 - 76.700 đồng/kg.

Chi tiết như sau, tỉnh Lâm Đồng đang là địa phương có giá thấp nhất là 76.000 đồng/kg - tăng 1.100 đồng/kg. Kế đó là tỉnh Gia Lai và với giá 76.400 đồng/kg - tăng 1.000 đồng/kg.

Tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, cà phê đang được thu mua với mức giá 76.500 đồng/kg và 76.700 đồng/kg, cùng tăng 1.000 đồng/kg.

Thị trường

Trung bình

Thay đổi

Đắk Lắk

76.500

+1.000

Lâm Đồng

76.000

+1.100

Gia Lai

76.400

+1.000

Đắk Nông

76.700

+1.000

Tỷ giá USD/VND

24.395

0

 

Đơn vị tính: VNĐ/kg

Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank

 

Cập nhật giá cà phê thế giới

Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 3/2024 được ghi nhận tại mức 3.269 USD/tấn sau khi tăng 0,55% (tương đương 18 USD).

Giá cà phê arabica giao tháng 3/2024 tại New York ở mức 193,85 US cent/pound sau khi tăng 3,69% (tương đương 6,9 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h40 (giờ Việt Nam).

Ảnh: Bình An

Những ngày cuối năm 2023, giá cà phê trên thị trường tiếp tục trải qua những ngày tăng “chóng mặt”. Tại thị trường trong nước, giá thu mua cà phê lên gần 70.000 đồng/kg, đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam.

“Giá cà phê tăng liên tục do cung không đủ cầu”, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho hay.

Nhiều dự báo cho thấy, tình trạng nguồn cung khan hiếm vẫn diễn ra, khiến giá cà phê nội địa của Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 4/2024.

Trái với sự mừng vui theo số liệu của các cơ quan chức năng, thì cả nông dân và một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lại cho rằng họ không được hưởng lợi từ giá cà phê tăng.

Theo ông Lương Bá Thái, Giám đốc CTCP Phát triển Việt Cafe, hai năm gần đây, vùng trồng cà phê bị thu hẹp, giá thu mua cà phê liên tục thay đổi, tăng cao theo giờ.

“Những năm trước, công ty tôi có thể tính được giá thành sản xuất trong một năm, thì đến năm 2023, giá thành sản xuất tính theo từng đơn hàng. Giá thu mua cao, giá thành sản xuất tăng, giá bán giữ nguyên, doanh nghiệp không có lãi.

Trước tình hình trên, doanh nghiệp đang phải chuyển hướng sản xuất những sản phẩm cà phê cao cấp hơn để tăng giá bán”, ông Thái chia sẻ thêm.

Ông Thái Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch Vicofa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp nhận định, thực tế do thiếu vốn, nên không mấy doanh nghiệp mua trữ cà phê lúc giá thấp.

Trái lại thu mua cà phê vào lúc này, giá cà phê mua vào tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, trong khi giá xuất khẩu chỉ tăng 2,4%, khiến lợi nhuận giảm đi. Ông cho hay tình hình thị trường cà phê biến động lớn như hiện nay, đặc biệt là chi phí tài chính quá cao, khiến các doanh nghiệp Việt không dám trữ hàng.

Hiện cà phê trong dân và các đại lý gần như cạn kiệt. Phần lớn cà phê đang nằm ở trong kho các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, nên các doanh nghiệp này được hưởng lợi chính trong đợt tăng giá kỷ lục.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ đang đối mặt với nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn vay. Hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng bất động sản là chủ yếu.

Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản như vậy đang khiến các doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao.

Các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn bảo đảm thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex – công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam, cho rằng nhu cầu về sản phẩm cà phê của các nước như: Châu Âu, Mỹ… rất lớn và cà phê của Việt Nam được coi là không thể thiếu trên thị trường toàn cầu bởi vị phù hợp với người tiêu dùng thế giới.

Chính vì vậy mà giá cà phê có xu hướng tăng dần và chưa bao giờ ngay từ đầu vụ mà giá cà phê cao như hiện tại. Điều này cũng phần nào phản ánh nhu cầu của thị trường đang rất lớn trong khi nguồn cung thiếu hụt.

Ông Nam dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn sẽ một mình một chợ cho đến cuối tháng 4 đầu tháng 5/2024 vì thời điểm này các nước Indonesia và Brazil mới vào vụ thu hoạch.

Tuy vậy, theo ông Đỗ Hà Nam, điều quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu cần bình tĩnh trước các cơ hội, nhận định và phân tích thị trường một cách thấu đáo. “Chỉ cần các doanh nghiệp không bán đổ bán tháo thì chúng ta không lo mất giá", ông Nam khuyến cáo.

Bình An