Giá cả hàng hóa thế giới ảnh hưởng các ngành hàng Việt Nam trong năm 2017 ra sao?
Dầu và cao su – Kỳ vọng vào hành trình dài hạn
Theo báo cáo chiến lược ảnh hưởng từ giá cả hàng hóa của Maybank Kim Eng, giá dầu còn gặp khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ở khung thời gian lớn hơn, xu hướng tăng là chủ đạo và giá dầu về trung hạn vẫn đang nằm trong pha hồi phục từ đầu năm 2016 đến nay.
Đối với các doanh nghiệp ngành dầu khí trong nước, điểm sáng trước mắt đó là việc cam kết cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia ngoài khối, đồng thời nhu cầu được dự báo sẽ tăng nhẹ nên giá dầu sẽ có khả năng phục hồi trong tương lai. Bên cạnh đó, hai sự kiện Petrolimex (PLX) sẽ niêm yết trên sàn HOSE trong tháng 4/2017 và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) sẽ IPO cũng trong năm nay sẽ góp phần thêm sôi động thị trường.
Tuy vậy, giá dầu được cho là sẽ phục hồi nhưng vẫn khó tăng mạnh, do chi phí sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ thấp. Riêng trong nước nếu kịch bản giá dầu diễn biến không thuận lợi, các dự án khai thác dầu khí của PVN nhiều khả năng vẫn chưa đưa vào thực hiện trong năm nay do quá trình đàm phán với các công ty cùng ngành kéo dài. Đồng thời, việc PVN cắt giảm lượng khai thác kế hoạch chỉ còn 14,2 triệu tấn, kéo theo tổng doanh thu 2017 giảm 3,2% còn 438 ngàn tỷ đồng có thể sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn.
Những chuyển biến của giá dầu khí sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường cũng như các hàng hóa khác. Tiêu biểu là cao su khi diễn biến có phần tương đồng với giá dầu. Gần đây, sau giai đoạn tăng mạnh, giá cao su đã giảm hơn 20% và sẽ còn tiếp tục trong pha điều chỉnh.
Dẫu vậy, so với những năm trước, ngành cao su trong nước đang có những khởi sắc nhất định. Khi mà nguồn cung Thái sụt giảm và cầu từ Trung Quốc được dự báo sẽ cải thiện tích cực, giá cao su năm 2017 được kỳ vọng dự phóng tăng 16%, khoảng 36 triệu đồng/tấn.
Đối với các doanh nghiệp cao su trong nước, MBKE cho hay, hàng tồn kho cuối 2016 của các công ty là tương đối thấp so với cùng kỳ, chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ vào cuối năm 2016 tăng mạnh. Điều này sẽ làm giảm khả năng tận dụng được xu hướng tăng của giá cao su trong năm 2017.
Đường khó ngọt, phân đạm còn nhiều bất lợi
Trong khi đó, giá đường thì hiện vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh sau 3 quý năm 2016 tăng mạnh, dự báo sẽ tăng nhẹ trong niên vụ 2016-2017, do thời tiết không thuận lợi làm giảm sản lượng cung từ Thái Lan, Ấn Độ.
Quay lại tình hình cung cầu đường trong nước, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng đường dư vào cuối kỳ chỉ ở mức 152.000 tấn. Mà hiện nhu cầu trong nước ước duy trì ở mức 1,6 triệu tấn/năm. Do đó, đại diện VSSA cho rằng với cân đối cung cầu như trên sẽ khó có biến động lớn.
Hơn nữa, khi mà áp lực cạnh tranh từ Thái Lan ngày càng tăng cao vì giá rẻ hơn và thường xuyên được nhập tiểu ngạch vào Việt Nam thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn yếu. MBKE kỳ vọng tăng trưởng năm 2017 của các công ty trong ngành không tăng mạnh như năm trước do giá đường không diễn biến thuận lợi như 3 quý đầu năm 2016.
Hơn nữa, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa được cải thiện đáng kể. Chữ đường của mía chưa cao, chưa có giải pháp để người nông dân chuyên tâm trồng mía và các nhà máy đường chưa ổn định vùng nguyên liệu.
Về mặt hàng phân đạm, tuy giá trong năm 2016 khá trầm lắng và chỉ bật tăng vào cuối năm, nhưng bước sang 2017 lại có nhiều biến động mạnh khi mặt hàng Urea và DAP tăng giá thẳng đứng. Theo dự báo, giá phân bón trong ngắn hạn có thể tiếp tục tăng cao do căng thẳng nguồn cung. Sắp tới, nếu được Chính phủ thông qua việc điều chỉnh mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế VAT sang thuế suất 0% thì lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có phần cải thiện.
Nhưng đó chưa hẳn là dấu hiệu tích cực cho ngành phân bón khi vẫn còn đó những ảnh hưởng bất lợi từ Trung Quốc. Sản lượng nhập khẩu từ đất nước này thường chiếm tỷ trọng cao (hơn 40%) và giá cũng thấp hơn giá ở Việt Nam 10-15%.
Cũng chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc, nhưng khác với diễn biến của các hàng hóa trên, giá quặng sắt năm qua từng có mức tăng cao gần gấp đôi giúp ngành thép đã có một năm 2016 khá mỹ mãn. Giá mặt hàng này có pha điều chỉnh mạnh cuối năm 2016 nhưng rồi nhanh chóng quay lại bật tăng mạnh mẽ ngay sau đó và duy trì tốt đà tăng này trong suốt 2 tháng qua.
Nhờ sự hỗ trợ của các loại thuế tự vệ thương mại cùng với cầu tiêu thụ thép tăng từ việc ấm lên của thị trường bất động sản, giá bán trong nước đang dần được cải thiện hơn. Còn đối với thế giới, giá thép vẫn khá lạc quan chủ yếu do Trung Quốc cắt giảm sản lượng trước áp lực dư cung cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường. Do đó, mức tăng trưởng ngành thép trong năm 2017 cũng như những năm sau đó được VSA dự báo là 12%.
Tuy nhiên, trên thực tế mức độ cắt giảm sản lượng còn thấp nên thép giá rẻ từ Trung Quốc vẫn còn nhiều áp lực cạnh tranh.