Giá bản quyền tăng chóng mặt, SCTV sẽ phải thay kênh nước ngoài như VTVcab
Giá khởi điểm ngất ngưởng, chỉ một NĐT đăng ký mua cổ phần VTVcab, phiên IPO phải huỷ bỏ | |
Khi doanh nghiệp truyền hình muốn IPO và lên sàn |
Bộ TT&TT và VTV đã có buổi làm việc vào sáng 13/4/2018. |
Sáng ngày 13/4/2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh đã chủ trì buổi làm việc giữa lãnh đạo cấp cao của Bộ TT&TT và VTV. Tại buổi làm việc liên quan đến lĩnh vực quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV đã nêu ra việc các doanh nghiệp truyền hình trả tiền đang gặp khó khăn khi bị các đại lý độc quyền phân phối kênh truyền hình nước ngoài chèn ép giá, tăng giá chóng mặt trong những năm qua.
Theo quy định hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải mua bản quyền kênh truyền hình quốc tế thông qua các đại lý phân phối là doanh nghiệp trong nước, để đảm bảo nhà nước quản lý và thu được thuế từ các doanh nghiệp này.
Do đặc điểm mỗi kênh truyền hình nước ngoài chỉ định duy nhất 1 đại lý độc quyền phân phối tại Việt Nam, nên có thể nói các đại lý phân phối được hưởng sự độc quyền. Chính sự độc quyền này khiến các đơn vị truyền hình trả tiền Việt Nam bị chèn ép, không có sự chọn lựa nào khác trong thương thảo, đàm phán giá mua bản quyền các kênh quốc tế.
Theo ông Nguyễn Thành Lương, quy định các đơn vị truyền hình phải mua bản quyền kênh truyền hình nước ngoài thông qua đại lý phân phối tại Việt Nam, mà các đại lý này lại nắm độc quyền phân phối, do đó trên thực tế có việc độc quyền thao túng giá bản quyền.
“Giá bản quyền kênh quốc tế tăng kinh khủng, mà chúng tôi không hiểu vì sao tăng, tăng do giá gốc tăng hay do đại lý phân phối tự ý tăng giá. Mỗi năm giá bản quyền kênh truyền hình nước ngoài tăng tới 30%. Đó là lý do vì sao VTVcab mới đây đã hạ gói kênh truyền hình quốc tế của một đại lý phân phối. VTVcab không mua gói kênh này nữa, mà chuyển sang mua gói kênh quốc tế khác rẻ hơn rất nhiều. Tuy việc hạ kênh của VTVcab còn nhiều vấn đề nảy sinh, nhưng sắp tới SCTV cũng buộc phải làm như vậy. Thực ra, K+ đã có dự định hạ kênh quốc tế từ tháng 1/2018, nhưng Đài chưa đồng ý vì còn một số yếu tố cần cân nhắc”, ông Nguyễn Thành Lương tiết lộ.
Cũng theo ông Lương, với việc giá bản quyền kênh nước ngoài ngày càng tăng thì doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền sẽ gặp khó khăn. Giả sử như nhà nước không có quy định phải mua qua bản quyền thông qua các đại lý trong nước, thì các đơn vị truyền hình trả tiền sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn, mặc cả giá để mua kênh truyền hình quốc tế. Chứ bây giờ chỉ có 1 đại lý độc quyền thì "chịu chết" không thể thương thảo về giá cả.
Hiện tại VTV có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là: VTVcab (100% vốn của VTV), SCTV (VTV góp vốn 50%), K+ (VTV góp vốn 51%, tương đương 10 triệu USD).
Theo số liệu từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Nhà nước cấp phép cho 70 kênh truyền hình quốc tế được phát sóng vào Việt Nam, nhưng mới chỉ có 60 kênh đã được phát sóng. Trong đó Qnet được cấp phép gần 30 kênh và đã phân phối 23 kênh trên thị trường Việt Nam. Còn lại 40 kênh nước ngoài do 9 đại lý phân phối khác cung cấp, mỗi đại lý phân phối một vài kênh, trong đó có Thảo Lê, BHD, Fox…
Trong số 10 đại lý phân phối kênh truyền hình nước ngoài ở Việt Nam, Qnet được giới truyền hình ví như một “ông trùm” siêu quyền lực vì nắm giữ trong tay quyền phân phối tới 30 kênh (trong tổng số 70 kênh truyền hình được cấp phép), và hiện đã phân phối 23 kênh. Qnet bán bản quyền cả gói kênh (theo kiểu “bán bia kèm lạc”), do đó những kênh mà Qnet phân phối nhà cung cấp truyền hình trả tiền nào cũng có như nhau. Điều này dẫn đến việc các nội dung kênh nước ngoài không có sự khác biệt.
Trước ngày 1/4/2018, Qnet phân phối kênh cho 10 hạ tầng truyền hình trả tiền, sau khi VTVcab và NextTV rút lui không còn mua bản quyền gói kênh do Qnet phân phối, hiện Qnet vẫn còn 8 khách hàng lớn SCTV, K+, HTVC, MyTV, truyền hình FPT, MobiTV, VTC, HanoiCab. Theo bình luận của giới chuyên môn, trong số 23 kênh Qnet đang phân phối, chỉ có khoảng 6-8 kênh là thuộc Top đầu thế giới, còn lại là các kênh cũng thuộc hạng trung bình.