Geleximco đề xuất xây cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Tập đoàn Geleximco vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải xin chủ trương lập đề xuất dự án đầu tư tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo hình thức PPP.
Cụ thể, Tổng giám đốc Geleximco Vũ Văn Tiền ký văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho doanh nghiệp này làm nhà đầu tư quan tâm và lập đề xuất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Ngoài ra, Geleximco kiến nghị Bộ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và làm việc với các địa phương có dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo tự giới thiệu của Geleximco, với năng lực là một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có vốn sở hữu 14.500 tỷ đồng, tổng tài sản 52.000 tỷ đồng và hơn 10.000 lao động, doanh nghiệp cam kết sẽ tổ chức chuẩn bị đầu tư với thời gian ngắn nhất, hiệu quả cao nhất, nhanh chóng đưa dự án vào thi công xây dựng, sớm hoàn thành công trình đi vào khai thác, góp phần đảm bảo hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng…
Vào ngày 4/7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Thông báo nêu rõ đoạn tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý để UBND tỉnh Nam Định chủ trì nghiên cứu triển khai theo phương thức PPP trong giai đoạn 2017-2021.
Tuy nhiên, vào tháng 2/2022, UBND các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình đã đề nghị đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng theo hình thức đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Quá trình lấy ý kiến của các cơ quan liên quan cho thấy, hiện nay, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, các nguồn vốn nhà nước cơ bản đã phân bổ hết, nên việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công là không khả thi.
Vì vậy, Thủ tướng thống nhất tiếp tục nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cao tốc này theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT do nhà đầu tư đề xuất.
Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở quy hoạch, tư vấn tiếp tục nghiên cứu đề xuất hướng tuyến ngắn nhất, tránh tối đa việc đi qua khu đô thị, khu đông dân cư để giảm chi phí giải phóng mặt bằng, bảo đảm khả thi, hiệu quả tối ưu.