GDP năm 2019 đạt 7,02%: Mừng nhưng vẫn... lo
Dẫu tăng trưởng cao nhưng không thể phủ nhận Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức như: thực trạng doanh nghiệp còn yếu, kém hiệu quả, rất nhiều lĩnh vực trận địa còn bỏ trống. Cách nào giải bài toán tốc độ tăng trưởng đi kèm chất lượng cao?
Năng suất lao động tăng vọt
Ngày 27/12, Tổng cục Thống kê công bố số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Việt Nam năm 2019 đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.
Trong cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%...
Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 đạt mức tăng trưởng thấp, chiếm tỷ trọng 13,96% GDP do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng. Ngành chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi. Nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu.
“Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển theo chiều sâu. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 46,11% (bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015)”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Tổng cục Thống kê đánh giá, năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 đạt 2,79%. Công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ thị trường đóng vai trò động lực phát triển kinh tế đất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động tăng lên.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, động lực chính của tăng trưởng kinh tế tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (trong đó ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%). Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển theo chiều sâu.
Độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, năm 2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP đạt 210,4%, điều này chứng tỏ Việt Nam khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước, đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới.
“Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018.
Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) năm 2019 đạt 6,07%, thấp hơn nhiều so với các năm trước đó”, ông Lâm cho biết.
Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng tỷ trọng vốn khu vực ngoài nhà nước tăng đều qua các năm, giảm tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực nhà nước. Năm 2019, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã đạt 46% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, mức tỷ trọng cao nhất từ trước đến nay.
Điều này khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế ngoài nhà nước trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
10 doanh nghiệp chào đời, 5 doanh nghiệp “chết lâm sàng”
Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới năm 2019 tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018. Trong đó, số DN thành lập mới năm 2019 đạt mức kỷ lục là 138,1 nghìn.
Tuy nhiên, cả nước có tới 80.000 DN tạm ngừng hoạt động, chờ thủ tục giải thể, tương đương khoảng 49% tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động. Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho rằng, đây là tình trạng không mong muốn, nhưng so sánh với các nước cũng không phải là hiện tượng bất thường.
“Nguyên nhân dẫn tới việc DN tạm ngừng kinh doanh do khó khăn của môi trường kinh doanh và là quá trình tự thanh lọc. Các doanh nghiệp yếu rút đi nhường chỗ cho các doanh nghiệp có ý tưởng mới ra nhập thị trường. Theo thống kê, có tới 40% trong số này là các doanh nghiệp dưới 3 năm tuổi”, ông Tuấn cho biết.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tăng nhanh về cơ học. Năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.
“Tăng trưởng ngành công nghiệp là một trong những tăng trưởng quan trọng nhất đóng góp vào GDP. Nhiều năm qua, công nghiệp chế biến chế tạo là ngành mũi nhọn, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, năm 2019, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo thấp hơn 2 năm gần đây. Những năm sau ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng sẽ khó khăn hơn và khó giữ được đà tăng trưởng như những năm gần đây. Cùng với đó, hoạt động của DN ngày càng khó khăn hơn”, ông Thúy dự báo.
Tổng cục Thống kê dự báo, năm 2020 nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi trên tất cả địa phương; biến đổi khí hậu, hạn hán, an ninh nguồn nước. Ngoài ra, nền kinh tế phụ thuộc vào bên ngoài nên mọi biến động của thế giới cũng tác động đến nền kinh tế.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2020, Tổng cục Thống kê kiến nghị, cơ quan chức năng hoàn thiện thể chế kinh tế nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, ít rủi ro. Cho phép các doanh nghiệp tiếp cận cơ hội và nguồn lực, phát huy quyền sản xuất kinh doanh. Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế.