|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gặp khó ở Trung Quốc, AB InBev nên đi lên từ Việt Nam, Philippines và khu vực Đông Nam Á?

17:13 | 07/10/2019
Chia sẻ
Anheuser-Busch InBev (AB InBev), nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới, đang nỗ lực tạo ra một cú hích lớn tại Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia khác ở châu Á. Tuy nhiên, AB InBev có thể gặp trở ngại khi mà nhiều hãng bia nội địa đã thống trị thị trường quê nhà từ lâu.
106015402-1562912067804gettyimages-1153657512

Sản phẩm bia Budweiser do AB InBev sản xuất. (Ảnh: Bloomberg)

CNBC đưa tin, sau khi niêm yết cho công ty Budweiser APAC tại Hong Kong vào tuần trước, AB InBev cho biết họ sẽ nghiên cứu mở rộng tại châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Tuy nhiên theo Euromonitor, tại Trung Quốc - thị trường phổ biến các loại bia cao cấp, AB InBev hiện đang xếp vị trí thứ ba với 16% thị phần. Tại Đông Nam Á, tập đoàn này thậm chí không nằm trong top 10.

"Các công ty bia Trung Quốc nắm quyền kiểm soát đối với thị phần khu vực, do vậy chúng ta phải xem chiến lược của Budweiser kể từ đây như thế nào", ông Hao Hong, chiến lược gia trưởng của Bank of Communications International, cho hay.

CNBC dẫn lời các nhà phân tích cho biết các "tay chơi" lớn từng mua sạch các công ty bia nhỏ hơn tại châu Á và đây có thể là một trong những chiến lược của AB InBev.

Tuy nhiên, các hãng bia địa phương vẫn chiếm ưu thế ở khu vực châu Á.

Ngành bia Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường bia lớn nhất thế giới xét theo doanh số, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp nhận thấy có một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng bia địa phương và những gã khổng lồ ngành bia toàn cầu.

1

Ảnh: CNBC/Refinitiv

Hãng China Resources Beer (CRB) có hơn 25% thị phần tại thị trường Trung Quốc, theo Reuters. Sản phẩm Snow vô cùng nổi tiếng của CRB là loại bia bán chạy nhất trên thế giới tính theo khối lượng.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy CRB còn là nhà sản xuất bia Trung Quốc lớn nhất theo giá trị vốn hóa, theo sau là hai hãng Tsingtao Brewery và Chongqing Brewery.

Theo ông Hong, mặc dù các hãng bia Trung Quốc có mức độ hiện diện đáng kể trên thị trường khu vực, thị trường bia Trung Quốc vẫn khá phân mảnh.

Chiến lược gia trưởng này còn cho biết thêm, loại đồ uống có cồn hàng đầu của Trung Quốc vẫn là bạch tửu (baijiu), một thức uống truyền thống làm từ ngũ cốc lên men.

"Phân khúc đồ uống có cồn đang kinh doanh tốt chính là bạch tửu, do vậy chúng ta nên tiếp tục theo dõi Budweiser APAC có thể tăng trưởng đến đâu ở thị trường Trung Quốc", ông Hong nói.

Khoảng một nửa lượng bia tiêu thụ trên toàn cầu là do AB InBev, Heineken, Carlsberg và Snow của Trung Quốc bán ra.

Ngoài Budweiser, AB InBev còn sở hữu nhiều loại bia nổi tiếng khác như Stella Artoise, Corona và Hogaarden.

Bắt tay vào xây dựng chỗ đứng ở Việt Nam, Philippines mới là chiến lược đúng đắn?

Theo nhà phân tích Jarred Neubronner của Euromonitor, Đông Nam Á có thể mang đến triển vọng tốt hơn, khi mà thị trường này được dự đoán sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính. Các thị trường tiềm năng nhất bao gồm Việt Nam và Philippines.

"Do các hãng bia địa phương chiếm ưu thế, AB InBev hiện chưa thể bước vào top 10 nhà sản xuất bia hàng đầu khu vực Đông Nam Á năm 2018", ông Neubronner nói. "Để tăng trưởng hơn nữa, AB InBev cần phải tạo đột phá ở các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines".

2

Ảnh: CNBC/Euromonitor

Một số tập đoàn đã tạo đột phá như vậy thông qua mua lại các thương hiệu nội địa ở một số thị trường trong khu vực.

Chẳng hạn, Thai Beverage đã mua lại hãng bia lớn nhất Việt Nam Sabeco (Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) trong một thỏa thuận trị giá 4,8 tỉ USD năm 2017.

"Bước đi đó ngay lập tức đưa Thai Beverage lên thành công ty bia lớn nhất khu vực Đông Nam Á xét theo khối lượng sản phẩm", ông Neubronner cho biết.

Theo Euromonitor, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thai Beverage (niêm yết tại Singapore) hiện xếp thứ 6 về thị phần năm 2018 với tỉ lệ 3,9%.

"Nhiều hãng bia hàng đầu Đông Nam Á là các doanh nghiệp địa phương có kiến thức về thị trường trong nước và mạng lưới phân phối rộng. Do đó, kế hoạch mua lại các công ty bia này là khả thi nếu AB InBev muốn tăng thị phần trong khu vực và khai thác chuyên môn từ các công ty trong nước tên tuổi", ông Neubronner nhận định.

Ở Trung Quốc, Heineken đã mua lại 40% cổ phần tại China Resources Beer (CRB) vào năm ngoái, gây cản trở cho chỗ đứng của AB InBev tại thị trường thức uống có cồn cao cấp tại đất nước tỉ dân.

Tuy nhiên, bia có thể đang mất dần chỗ đứng cho rượu mạnh, rượu vang và các thức uống có cồn khác.

Theo dự báo của Euromonitor, tiêu thụ bia ở Trung Quốc có thể sẽ giảm gần một tỉ lít vào năm 2023 khi người tiêu dùng chuyển sang các loại đồ uống có cồn khác như rượu mạnh.

Khả Nhân

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.