Găng tay cao su: Từ thừa cung đến không đủ bán vì COVID-19 và lệnh hạn chế di chuyển
Dịch do virus corona (COVID-19), nay được tuyên bố là đại dịch toàn cầu, đã làm chao đảo cả thế giới, đồng thời dấy lên lo ngại ngành công nghiệp sản xuất găng tay cao su không thể đáp ứng được lượng cầu.
Trong tuần kết thúc vào ngày 15/3, Hiệp hội các nhà sản xuất găng tay cao su Malaysia (Margma) đã yêu cầu chính phủ cho phép ngành này hoạt động với 100% công suất, theo The Star.
Chủ tịch hiệp hội, ông Denis Low cho biết ngành này khẩn khoản cầu xin chính phủ cân nhắc tính nghiêm trọng và cấp bách của tình hình để cho phép các nhà sản xuất hoạt động hết công suất.
Theo ông Low, nguyên nhân chính khiến ngành sản xuất găng tay cao su không thể đáp ứng nhu cầu hiện tại là lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) gần đây ở Malaysia.
Sản xuất hết công suất
"Theo tuyên bố nhận được chúng tôi chỉ được phép sử dụng 50% số lao động hiện có, đồng nghĩa với việc sản lượng của chúng tôi sẽ giảm xuống còn ít hơn 50% trong bối cảnh nguồn cung thiết hụt.
Sự thiếu hụt găng tay đang xảy ra trên toàn thế giới. Một số chính phủ thậm chí còn đang năn nỉ chúng tôi sản xuất hết công suất. Tình hình hiện nay thực sự rất hỗn loạn", ông Low chia sẻ.
Vị chủ tịch hiệp hội hi vọng chính phủ có thể linh hoạt để miễn cho ngành này hạn mức 50% nhân công do tình cảnh hết sức ngặt nghèo hiện nay.
“Chúng tôi cũng rất cảnh giác trong thời điểm này. Tất cả biện pháp nhằm bảo vệ người lao động đều sẽ được áp dụng", ông nói tiếp.
Liên quan đến vấn đề này, công ty CSG-CIMB cũng đã xác nhận trong một báo cáo rằng lượng cầu đối với găng tay cao su đang cao chưa từng thấy, thậm chí còn cao hơn cả trong dịch bệnh H1N1 năm 2009 và dịch SARS năm 2003.
“Đặt trong bối cảnh hiện nay, thời gian trung bình để cách nhà sản xuất găng tay cao su hoàn thành đơn hàng đã tăng lên tối thiểu là 4 tháng so với chỉ khoảng 1 - 2 tháng như trước đây.
Trước đây, thời gian để sản xuất đáp ứng cho dịch SARS và H1N1 lần lượt chỉ là 2 tháng và 3 tháng", CGC-CIMB cho biết trong báo cáo.
Mặc cho cảnh báo về việc chỉ được sử dụng 50% nhân lực, CGS-CIMB cho hay: “Từ đầu năm đến nay, đồng ringgit đã suy yếu khoảng 5,4% so với đồng USD. Điều này rất có lợi cho các nhà sản xuất vì hơn 90% doanh số của họ được bán bằng đồng USD".
Sự bất ổn toàn cầu
“Không những vậy, giá các nguyên liệu đầu vào như cao su nitrile và cao su latex đều đang giảm trên toàn cầu", công ty nói thêm.
Mặc dù vẫn còn khá kiên cường trong cuộc khủng hoảng bán tháo, cổ phiếu găng tay cao su cũng đã bị giảm vì cảm nhận suy yếu, đặc biệt tại thời điểm thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc liên tục.
Dù không rõ các công ty trong ngành sẽ lời lãi bao nhiêu vì cuộc khủng hoảng sức khoẻ toàn cầu này, nhưng rõ ràng trong cuộc chiến này, họ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Vừa qua, công ty Top Gloves báo cáo kết quả kinh doanh sau thuế của quí kết thúc vào ngày 29/2 tăng 9,35% so với cùng kì năm ngoài lên 115,68 triệu ringgit. Doanh thu trong quí của công ty cũng đạt 1,23 tỉ ringgit so với 1,16 tỉ Ringgit vào cùng kì năm trước.
Trong báo cáo, Public Invest Research cho biết lợi nhuận ròng nửa đầu năm tài chính 2020 của Top Gloves ổn định ở mức 227,1 triệu ringgit.
Public Invest Research nói thêm: “Sự tăng trưởng nhẹ này là nhờ sự phát triển mạnh của phân khúc găng tay nitrile cùng với chi phí thuế thấp. Trước diễn biến của dịch COVID-19, chúng tôi dự đoán hoạt động của Top Glove sẽ rất mạnh mẽ, vì găng tay là thiết bị y tế thiết yếu".
Công ty nghiên cứu lưu ý số lượng đơn hàng của Top Glove đã tăng gấp đôi vì sự bùng phát của dịch bệnh và giá bán trung bình của sản phẩm đã được điều chỉnh tăng 3 - 5%.
“Chúng tôi tin việc điều chỉnh giá bán sẽ đem lại lợi nhuận lớn hơn cho tập đoàn trong những quí sắp tới.
Trong thời kì đầu dịch bùng phát, lượng cầu tăng đột biến tới từ các quốc gia châu Á như Hong Kong và Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, do dịch lây lan nhanh chóng, lượng cầu chủ yếu hiện nay lại đến từ Mỹ và khu vực Liên minh châu Âu (EU)", Public Invest Research cho biết trong báo cáo.
Public Invest Research cũng lưu ý thêm Top Glove cũng đã đảm bảo đơn đặt hàng lớn để chuyển đi trong những tháng tới, với một số khách hàng đã đặt hàng trước 6 tháng, trong khi thông thường họ chỉ đặt hàng trước khoảng 3 tháng.
Mặc cho sự nhạy cảm của thị trường, các nhà sản xuất găng tay cao su sẽ tiếp tục duy trì sản xuất, và Malaysia sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của nhà sản xuất găng tay cao su số một thế giới.