Gần một tuần 'bình thường mới' theo Nghị quyết 128, nhiều tỉnh thành vẫn chưa công bố cấp độ dịch
Sáng 17/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay.
Mở đầu buổi họp, Thủ tướng nêu rõ hiện vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, gây ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân.
Thủ tướng khẳng định tinh thần chung là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các địa phương báo cáo, phản ánh về tình hình sau một tuần thực hiện Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, những điểm còn vướng mắc, chưa thống nhất để sửa đổi, bổ sung quy định.
Trên thực tế, mặc dù đã ban hành được một tuần, song tính tới thời điểm hiện tại mới chỉ có hơn 20 tỉnh thành thực hiện công bố cấp độ dịch, phần lớn hiện vẫn chưa công bố. Điều này đã khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại liên tỉnh, gây ra những vướng mắc không cần thiết.
Điển hình như tỉnh Lâm Đồng, hiện tỉnh vẫn chưa công bố cấp độ dịch bệnh cụ thể của địa phương, song tỉnh đã công bố áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch nhưng lại không theo quy định tại Nghị quyết 128.
Cụ thể, người từ các tỉnh, thành phố khác vào Lâm Đồng phải đăng ký với chính quyền địa phương các xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn biện pháp phòng chống COVID-19 của tỉnh. Hay tại An Giang, tỉnh quy định người đi ra ngoài tỉnh vẫn phải xin giấy của chính quyền.
Ngoài ra, Lào Cai cũng áp dụng quy định về kiểm soát người và lái xe đi, về qua chốt kiểm dịch của Lào Cai có mức độ cao hơn quy định của Chính phủ do đặc thù địa phương có khu vực cửa khẩu, khu công nghiệp.
Lào Cai yêu cầu người đi về từ “vùng đỏ” hoặc “vùng cam” vẫn phải làm xét nghiệm, chỉ miễn xét nghiệm cho người trở về từ “vùng xanh," “vùng vàng” (chỉ cần khai báo y tế). Bên cạnh đó, vì lái xe tải là đối tượng có nguy cơ cao nên Lào Cai quy định khi qua các chốt vẫn phải có xét nghiệm khẳng định còn hiệu lực.
Hay tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mặc dù chưa công bố cấp độ dịch, tuy nhiên, UBND tỉnh cũng đã ban hành hướng dẫn một số biện pháp y tế đối với người đến, trở về địa phương từ các tỉnh, thành phố dựa trên quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ. Các hướng dẫn tạm thời này được áp dụng từ 0h ngày 16/10.
Thừa Thiên - Huế áp dụng đối với cá nhân từ “vùng vàng” có mức độ cao hơn so với hướng dẫn của Chính phủ tùy theo số liều được tiêm chủng hoặc công dân được công bố khỏi bệnh hay chưa.
Cụ thể, người đến, trở về từ các địa phương cấp độ 2 (vùng vàng) sẽ phải giám sát y tế tại nơi cư trú, lưu trú 7 ngày và xét nghiệm sàng lọc theo kế hoạch của cơ quan y tế. Trong khi đó, theo quy định tạm thời của Chính phủ, việc đi lại của người dân đến từ “vùng vàng” không bị hạn chế biện pháp y tế.
Đặc biệt, tại tỉnh Bến Tre, xe ô tô liên tỉnh đi qua đi lại được dán niêm phong các cửa để khách không ghé dọc đường. Nhiều người cho rằng, việc dán tem niêm phong cửa xe làm họ rất bất tiện trong việc đi lại, vệ sinh trong quá trình di chuyển qua địa bàn Bến Tre.
Chiều 16/10, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, vụ lực lượng kiểm dịch tại cửa ngõ dán niêm phong cửa ô tô khi đi qua địa bàn tỉnh đã bỏ được khoảng một tuần.
“Việc này do lực lượng tại chốt “sáng tạo”, chứ UBND tỉnh không chỉ đạo làm. Khi được hỏi vì sao dán niêm phong cửa ô tô như vậy, lực lượng kiểm dịch cho biết sợ người dân dừng xe xuống dọc đường nên mới dán. Tuy nhiên, việc làm này gây bất tiện cho người dân, không đúng quy định nên tôi đã chỉ đạo bỏ ngay”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định.
Tính đến nay, nhiều tỉnh, thành phố như TP HCM, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đắc Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng,... vẫn chưa chính thức ban hành văn bản xác định cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Riêng tỉnh Khánh Hòa không xác định cấp độ dịch ở phạm vi toàn tỉnh, cấp huyện mà xác định cấp độ dịch theo cấp thôn, tổ dân phố để áp dụng linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch và nới lỏng giãn cách xã hội có lộ trình, tương ứng với từng cấp độ nguy cơ ở thôn, tổ dân phố.