Gần 80% doanh nghiệp bán lẻ chê chính sách ưu đãi không hiệu quả
Đó là nội dung bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, chia sẻ tại Hội thảo “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa – Trường hợp của Ngành chế biến xuất khẩu Gỗ và Ngành Bán lẻ”, diễn ra sáng ngày 6/10 tại Hà Nội,
Đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã đưa ra 7 đề xuất để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. (Nguồn: Linh Lê) |
Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ phân tích, ngoài những chính sách khuyến khích đầu tư chung cho các ngành kinh tế nội địa, nhà nước còn có các chính sách ưu đãi đối với ngành bán lẻ nói riêng như: Ưu đãi đầu tư, xây dựng và quản lý kinh doanh chợ ở vùng nông thôn; Ưu đãi đầu tư kinh doanh trung tâm hội chợ triển lãm hàng hóa, trung tâm logistics, siêu thị, trung tâm thương mại.
Mặc dù cam kết mở cửa ngành bán lẻ trong WTO, nhưng Nhà nước cũng đặt ra nhiều biện pháp để kiểm soát các doanh nghiệp FDI. Cụ thể, nhà nước yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với cơ sở bán lẻ FDI ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, biện pháp hạn chế loại hàng hóa cấm bán lẻ trong các cơ sở bán lẻ FDI…
Bà Loan cung cấp kết quả khảo sát của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: “77% doanh nghiệp đánh giá các chính sách ưu đãi không có hiệu quả thực tế. Chính sách ENT chỉ còn duy trì trong vài năm tới, trong khi các địa phương chưa có ý thức vận dụng hiệu quả. Các doanh nghiệp FDI cũng thường xuyên vi phạm lệnh cấm hàng hóa bán lẻ…”.
Trên cơ sở đó, đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã đưa ra 7 đề xuất nhằm hỗ trợ ngành bán lẻ trong nước. Trong đó, giải pháp “thúc đẩy việc hình thành các trung tâm giao dịch kết nối các nhà bán lẻ với nhà sản xuất” được coi trọng đặc biệt.
Theo đó, cần có cơ chế chào hàng riêng, đặc thù cho các khách hàng là các nhà bán lẻ; Cần cơ chế nhóm mua chung để nhiều nhà bán lẻ đặt hàng nhà sản xuất theo nhóm sản phẩm đặt hàng; Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể đặt hàng để nhà sản xuất tạo ra những loại hàng mang thương hiệu riêng của chính hãng bán lẻ…
Danh sách đề xuất của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội: 1. Thúc đẩy hình thành các trung tâm giao dịch kết nối các nhà bán lẻ - nhà sản xuất. 2. Tăng cường kiểm soát nhà nước về chất lượng hàng hóa. 3. Ưu đãi đầu tư đối với ngành bán lẻ. 4. Khuyến khích cho vay tín dụng cho các nhà bán lẻ nhỏ và vừa. 5. Cải cách cơ chế về thuế đối với doanh nghiệp bán lẻ. 6. Khuyến khích đào tạo lao động ngành bán lẻ. 7. Thực thi chặt chẽ các cam kết mở cửa thị trường bán lẻ. |