|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gần 200 ha đất vàng Bình Dương về tay tư nhân, Chủ tịch Protrade xin từ chức vì... 'tuổi cao, sức khỏe kém'

21:05 | 25/11/2019
Chia sẻ
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Protrade vừa có đơn xin từ nhiệm kể từ ngày 1/12/2019.

Ngày 21/11 vừa qua, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - CTCP (Protrade - Mã: PRT) đã gửi đơn xin từ nhiệm kể từ ngày 1/12/2019.

Đơn từ nhiệm của ông Minh đưa ra lí do: "tuổi cao, sức khỏe kém nên không thể tiếp tục thực hiện được trọng trách Chủ tịch Hội đồng quản trị tại công ty".

Ông Minh tham gia điều hành Protrade kể từ năm 1982 với vai trò Giám đốc, Tổng Giám đốc và Chủ tịch Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - Công ty TNHH MTV. Từ tháng 11/2018 đến nay, ông là Chủ tịch HĐQT Protrade.

Theo báo cáo thường niên năm 2018 của Protrade, ông Minh còn tham gia điều hành tại một số công ty con và công ty liên kết như Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Hưng Vượng, Thành viên HĐQT của các công ty gồm Công ty TNHH Sân Golf Palm Sông Bé, CTCP Cao su Dầu Tiếng Việt Lào, CTCP Phát triển Phú Mỹ và CTCP Đầu tư Tân Thành.

Trước khi ông Minh xin từ nhiệm, Protrade dưới sự dẫn dắt và điều hành của ông có liên quan đến sai phạm tại hai khu đất 43 ha và 145 ha thuộc tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, vào khoảng đầu tháng 11, báo chí phản ánh các thương vụ chuyển nhượng đất vàng tại Bình Dương của Protrade có nhiều sai phạm. Theo đó, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh vào cuộc điều tra.

Khu đất 43 ha hiện nay là dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú, tọa lạc ngay trung tâm TP Mới Bình Dương, giao nhau giữa đường Phạm Ngọc Thạch và đường Võ Văn Kiệt. Còn khu đất 145 ha vốn là dự án sân golf Thái Hòa.

Theo thông tin từ Báo Đầu tư, bước đầu thanh tra cho thấy việc chuyển nhượng này có dấu hiệu sai phạm hình sự.

Đồng thời, do vượt quá thẩm quyền chức năng nên Thanh tra tỉnh đã kiến nghị và tỉnh quyết định chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an để điều tra làm rõ chuyển nhượng khu đất 43 ha do Protrade thực hiện.

Ở diễn biến khác, một lãnh đạo Thanh tra Nhà nước tỉnh Bình Dương trả lời với Tuổi Trẻ Online rằng, với việc UBND tỉnh chuyển hồ sơ vụ 43 ha đất sang cơ quan điều tra đồng nghĩa với việc cơ quan thanh tra sẽ kết thúc thanh tra mà không ban hành kết luận thanh tra.

Còn về khu đất 145 ha, trước đây khu đất này được giao cho Protrade quản lí nhưng công ty đã chuyển nhượng cho CTCP Đầu tư và Phát triển Tân Thành trước khi cổ phần hóa. Trong đó, Tân Thành là công ty liên kết do Protrade sở hữu 49% tính đến ngày 30/9/2019.

Thông tin từ Tuổi Trẻ Online, hai cổ đông chính của Tân Thành gồm CTCP Hưng Vượng và Công ty TNHH Phát Triển, các công ty riêng của chủ tịch HĐQT Tổng công ty Protrade Nguyễn Văn Minh và con gái.

Tập trung khai thác bất động sản

Xuất thân từ một doanh nghiệp nhà nước với hoạt động kinh doanh chính là sản xuất, nắm 30% cổ phần trong liên doanh FrieslandCampina Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa thương hiệu Dutch Lady nổi tiếng được thành lập tại Việt Nam từ năm 1995. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, Protrade đang có sự chuyển dịch hoạt động kinh doanh sang mảng sân golf, bất động sản,...

Năm 2018, Protrade đạt tổng doanh thu 2.653 tỉ đồng, với đóng góp chính từ ba mảng: hạ tầng KCN 1.150 tỉ đồng (43%), bán thành phẩm hàng hóa 830 tỉ đồng (31%) và kinh doanh bất động sản 489 tỉ đồng (18%)... Ngoài ra, ba sân golf mà Protrade sở hữu cổ phần cũng đem về doanh thu khoảng 141 tỉ đồng trong năm.

Trong nửa đầu năm 2019, báo cáo của Protrade cho biết đã nhận về 120 tỉ đồng cổ tức từ Công ty TNHH MTV Quốc tế Protrade, đơn vị vận hành hệ thống hạ tầng KCN.

Với hoạt động kinh doanh sân golf tuy chưa thực sự sôi động nhưng Protrade cho rằng tiềm năng cho dịch vụ chất lượng cao tại Bình Dương còn rất lớn. Công ty cũng đang triển khai nghiên cứu khả thi các dự án bất động sản gắn liền sân golf như khách sạn tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao, khu nhà ở cao cấp, trung tâm thương mại, hội nghị…

Với định hướng mở rộng phát triển lĩnh vực kinh doanh golf, Đại hội đồng cổ đông và HĐQT Protrade đã quyết định mua không quá 20% cổ phần tại CTCP Đầu tư và Phát triển Tân Thành (chủ sở hữu sân golf Tân Thành - Harmonie Golf Park) -  dự án sân golf có quĩ đất 145 ha, tọa lạc tại trung tâm thành phố mới Bình Dương. Mục tiêu của dự án là xây dựng một sân golf 18 lỗ 90 ha và bất động sản quanh sân golf 55 ha.

Giao dịch đàm phán mua lại 19%  CTCP Đầu tư và Phát triển Tân Thành đã được hoàn thành trong nửa đầu năm nay với giá trị chuyển nhượng lên tới 964 tỉ đồng (tương đương định giá sân golf hơn 5.070 tỉ đồng).

Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của Protrade những năm gần đây có sự thay đổi đáng kể. Doanh thu từ sản xuất, thương mại hàng hóa của Protrade bắt đầu giảm mạnh từ năm 2016, với mức giảm lên tới 55%; qua năm 2017, doanh thu mảng này tiếp tục giảm 42% xuống còn 680 tỉ đồng và giữ ổn định ở ngưỡng này trong năm 2018.

Bù lại, Protrade chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu trong các hoạt động khác, nhất là đối với mảng khu công nghiệp, bất động sản, dịch vụ và sân golf... 

Protrade tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3-2 Sông Bé, được thành lập vào năm 1982 với số vốn 4 triệu đồng, thuộc sở hữu 100% của Nhà nước.

Ngày 25/5/2016, Protrade chuyển sang mô hình kinh doanh mẹ - con và được phê duyệt phương án cổ phần hóa vào năm 2017 với vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng.

Đến tháng 3/2018, Protrade chào bán 30 triệu cp lần đầu ra ra công chúng (IPO) thông qua hình thức đấu giá. Với giá đấu bình quân 17.474 đồng/cp, cao hơn mức giá khởi điểm gần 46%, phiên đấu giá thu về số tiền trên 524 tỉ đồng.

Ngày 7/5/2018, Protrade đưa gần 30 triệu cp lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 17.400 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hóa thị trường 504 tỉ đồng.

Sau khi cổ phần hóa, Protrade là một trong ba doanh nghiệp lớn nhất ở Bình Dương. Tính đến ngày 30/9/2019, Protrade có 13 công ty con và công ty liên kết với giá trị đầu tư trên 4.000 tỉ đồng.

Nguyên Ngọc

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.