|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Găm hàng' chờ giá tiêu lên

22:16 | 24/01/2018
Chia sẻ
Trước tình hình năng suất và giá tiêu đều giảm mạnh, nông dân Đồng Nai và Bình Thuận có tâm lý “găm hàng” hy vọng giá tươi sáng hơn…
gam hang cho gia tieu len Vụ tiêu 2017 - 2018: Mất mùa nặng, giá rớt thê thảm
gam hang cho gia tieu len Giá cà phê hôm nay (24/1) quay đầu giảm, giá tiêu hôm nay biến động nhẹ

Chúng tôi về tỉnh Đồng Nai, một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng hạt tiêu. Thời điểm cận tết này nhiều nhà vườn bước vào vụ thu hoạch tiêu niên vụ 2017 - 2018.

gam hang cho gia tieu len
Ảnh: MS

Gia đình anh Nguyễn Văn Phong, ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang, TX Long Khánh có vườn tiêu 1,3 sào (khoảng 200 trụ 4 năm tuổi). Anh Phong chia sẻ: “Vườn tiêu đã chín không hái không được mà với giá thị trường đang quá thấp như lúc này thì hái bán ngay cũng chẳng bõ công. Thôi mình cứ thu hoạch xong, ráng chờ giá tiêu xem thế nào rồi tính tiếp”.

Vườn tiêu của gia đình anh Phong được xem là đẹp nhất trong xã, canh tác theo quy trình sạch. Cùng thời điểm này vụ trước gia đình anh thu được 5 tạ hạt tiêu khô, bán trên 100.000 đồng/kg. Đến vụ này mặc dù vườn tiêu vẫn phát triển tốt không sâu bệnh vì được chăm sóc rất kỹ, nhưng do ảnh hưởng thời tiết bất lợi khiến năng suất bị giảm, anh ước tính sẽ chỉ thu được khoảng 1,5 tạ hạt.

Tương tự, với gia đình bà Nguyễn Thị Vân, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, vụ tiêu năm nay cũng chỉ thu hoạch được vài tạ, giảm 50% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá tiêu đang ở mức thấp nên gia đình bà Vân vừa thu hoạch xong cũng chưa tính đến chuyện bán mà trữ lại chờ thăm dò thêm thị trường.

Không chỉ riêng nông dân trồng tiêu ở Đồng Nai đang gặp khó khăn khi giá giảm sâu mà nhiều nhà vườn canh tác tiêu sạch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng gặp lao đao. Chúng tôi ghé thăm vườn tiêu 2ha (khoảng 2.000 trụ, 6 năm tuổi) của gia đình ông Chu Trọng Dũng ở tổ 11, thôn 2B, xã Đông Hà, huyện Đức Linh đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, nghe ông tâm sự: “Vườn tiêu của gia đình tôi đăng ký tham gia vào mô hình liên kết, canh tác theo quy trình kỹ thuật của Cty Dona đã 3 năm nên phát triển tốt, tỉ lệ cây bị bệnh rất ít và cho năng suất cao ổn định chứ không như các vườn tiêu ngoài mô hình. Tuy nhiên, với giá tiêu quá thấp như thế này thì gần như chăm sóc vườn cả năm chẳng được đồng lời nào. Do vậy, gia đình tôi có thu hoạch thì cũng không bán ngay đâu”.

Theo ông Dũng, dự kiến vụ này gia đình ông sẽ thu hoạch được khoảng 5 tấn hạt tiêu. Nếu như những năm trước với 5 tấn tiêu này ông bán được cả tỉ đồng, nhưng năm nay chỉ còn 400 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí đầu tư thì gia đình ông cũng chẳng còn đồng nào.

Theo các hộ trồng tiêu, đây là năm thứ 3 liên tiếp họ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như dịch bệnh mất mùa và giá cả sụt giảm khiến tất cả đều hụt hẫng với cây trồng được mệnh danh là “vàng đen” một thời. Hiện giá hồ tiêu trên thị trường chỉ ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg, thậm chí cách đây một tuần giá tiêu còn có 50.000 - 55.000 đồng/kg. Đây là mức giảm sâu kỷ lục trong nhiều năm qua, trong khi vụ tiêu mới (2017 - 2018) bắt đầu vào thu hoạch.

Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người trồng tiêu bình tĩnh trước việc giá tiêu lao dốc. Một mặt lo giữ chất lượng nguồn tiêu tạm trữ, một mặt đảm bảo chất lượng hồ tiêu đang thu hoạch và không nên tiếp tục mở rộng diện tích. Đồng thời, người dân cần bán khi giá tiêu có dấu hiệu phục hồi trở lại, để cắt lỗ, giảm thiệt hại, thay vì kỳ vọng giá tiêu bật tăng lên mức cao như các vụ trước.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Việc trữ hàng, không bán đổ bán tháo, để điều tiết thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, khi giá tăng trở lại, người dân cần tính toán đúng thời điểm để bán ra dần dần, mục tiêu lúc này là tránh thua lỗ, thay vì hy vọng có lãi lớn”. Theo ông Vinh, thực tế đã có thời điểm giá tiêu bật tăng trên 100.000 đồng/kg, nhưng một số nhà vườn vẫn cố “găm hàng”, hi vọng giá lên tiếp. Hệ quả là giá tiêu quay đầu, tiếp tục đà giảm, thậm chí “lọt hố” khi giá đi xuống”.

Minh Sáng